Bão số 7 mạnh lên, triều cường ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi

.

ĐNO - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3,9 độ vĩ bắc, 118,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 7. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 7. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).

Dự báo trong trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10-15km/giờ và có xu hướng mạnh dần lên. Đến 13 giờ ngày 31-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc, 116,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.

Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng bắc tây bắc với tốc độ 10km/giờ. Đến 13 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc, 116,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14.

Trong ngày và đêm 31-10, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-14; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m, sóng biển vùng gần tâm bão cao 9-11m.

Khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Từ ngày 30-10 đến ngày 2-11-2022, mực nước triều tại khu vực ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi duy trì ở mức cao. Trong ngày 30-10, độ cao sóng trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi phổ biến 2-4m, có lúc trên 4m, biển động.  

Từ ngày 31-10 đến 2-11, độ cao sóng trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi có xu hướng tăng dần, dao động trong khoảng 3-5m, biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp và nguy cơ sạt lờ bờ biển.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.