Chính trị - Xã hội

"Dân vận khéo" làm đường giao thông nông thôn

07:09, 14/10/2022 (GMT+7)

Huyện Hòa Vang sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng, trong đó hệ thống giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện. Cùng với vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, phong trào "dân vận khéo" đã vận động người dân góp sức làm đường, hiến thêm đất để mở rộng, tạo nên những con đường rộng, thoáng.

Phong trào dân vận khéo được huyện Hòa Vang triển khai hiệu quả.  TRONG ẢNH: Nhiều hộ dân ở thôn Xuân Phú (xã Hòa Sơn) hiến đất mở đường. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Phong trào dân vận khéo được huyện Hòa Vang triển khai hiệu quả. TRONG ẢNH: Nhiều hộ dân ở thôn Xuân Phú (xã Hòa Sơn) hiến đất mở đường. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Điểm sáng huy động sức dân

Hòa Phú là xã miền núi của huyện Hòa Vang, chuyện người dân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn không phải là hiếm. Nhiều gia đình đã hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường theo tiêu chí nông thôn mới. Năm 2022, ở thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú có một con đường đất duy nhất, nhỏ hẹp dài vỏn vẹn 250m, người dân trông ngóng con đường này được mở rộng hơn. Khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã đề nghị huyện đầu tư mở rộng lòng đường lên 3,5m. Cả hệ thống chính trị xã vào cuộc vận động, nhân dân đồng thuận hiến hàng trăm m2 đất ở, đất nông nghiệp và tháo dỡ tường rào, cây cối…để mở rộng đường.

Ông Trần Ngôn, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Hòa Phước cho biết: “Khi tiến hành làm con đường này, xã tổ chức họp toàn thể nhân dân thông báo chủ trương. Bà con ai nấy đều nghĩ rằng Nhà nước đã quan tâm đầu tư thì tại sao lại tiếc ít mét đất. Thế nên, tất cả vui vẻ đồng tình hiến đất mở rộng đường. Gia đình tui cũng hiến khoảng 50m2 đất nên giờ trước nhà đã có con đường rộng rãi, khang trang”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu cho biết, qua công tác tuyên truyền và phong trào "dân vận khéo" của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ xã đến thôn, người dân đều thông chủ trương, nhiệt tình hưởng ứng, hiến đất làm đường. Riêng năm 2022, toàn xã được huyện đầu tư kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn kiệt hẻm và nội đồng có chiều dài hơn 850m, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Còn tại các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, những năm qua đã có hàng ngàn hộ dân hiến đất để làm đường. Giờ đây những con đường trở nên rộng rãi, thông thoáng đã thay thế cho những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Duy Phương, năm 2022 huyện có chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng nâng cấp 3 tuyến đường liên thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền, vận động được chi bộ, ban nhân dân các thôn đã triển khai đồng bộ. Các hộ dân có nhà ở hai bên tuyến đường đều đã tự nguyện hiến đất để mở rộng các tuyến đường theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hữu ở thôn Xuân Phú chia sẻ: “Mở rộng đường giao thông không chỉ để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà chính người dân là người hưởng lợi từ việc này. Do đó, bà con không ngại hiến đất, đóng góp công sức vào việc này. Nhìn sự thay đổi của quê hương cũng khiến chúng tôi vui mừng và tự hào vì mình làm được việc ý nghĩa”.

Đổi thay từ giao thông

Về thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) hôm nay, người dân ai cũng phấn khởi bởi tuyến đường ĐH2 trải dài từ xã Hòa Nhơn đến xã Hòa Sơn sắp hoàn thành, làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của cả hai địa phương này. Có được kết quả này là nhờ từ cán bộ xã đến các thôn phát huy tinh thần dân chủ, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng.

Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho hay, tuyến đường ĐH2 đi qua địa bàn các thôn phía tây của xã vốn dĩ nằm trong vùng trũng thấp. Mỗi khi mùa mưa lũ về là nước sông dâng cao quá đầu người, việc đi lại của người dân lệ thuộc hoàn toàn vào ghe thuyền.

Hơn nữa, đa phần người dân nơi đây quanh năm chỉ sản xuất, chăn nuôi các loại cây, con truyền thống, mang tính manh mún, nhỏ lẻ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ khi đường ĐH2 hình thành, Trung tâm Hành chính xã được xây dựng, người dân từ vùng dự án về khu tái định cư để nhận đất, xây nhà, đời sống kinh tế từ đó cũng bắt đầu thay đổi rõ rệt nhờ có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo" với các mô hình khơi dậy tinh thần trách nhiệm, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong nhân dân, hoàn thành các tiêu chí về giao thông, hộ nghèo, nhà ở dân cư, y tế, môi trường…

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ huyện Hòa Vang trong xây dựng cơ bản là tập trung đẩy mạnh nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ theo hướng đô thị có bản sắc riêng, bảo đảm kết nối với kết cấu hạ tầng toàn thành phố, ưu tiên cho các xã phía tây bắc của huyện. Đồng thời, rà soát, bổ sung hệ thống đường giao thông bảo đảm khớp nối các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn huyện có mặt cắt từ 7,5m trở lên. Đầu tư hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, cây xanh trên các tuyến đường, khu dân cư…

Huy động hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Trong 5 năm ( 2017-2021), huyện Hòa Vang đã  huy động hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần rất lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Hòa Vang đã thực hiện công tác quy hoạch, giải tỏa đền bù, tái định cư hơn 150 dự án; phối hợp xây dựng các dự án trọng điểm về hạ tầng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường vành đai phía nam, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, tuyến đường ĐH2; tuyến đường vành đai phía tây, nhà máy nước Hòa Liên…

TRỌNG HÙNG

.