Chính trị - Xã hội
Tự hào truyền thống vẻ vang công tác dân vận của Đảng
Trong quá trình hình thành và phát triển, Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Công tác tham mưu của Ban Dân vận Thành ủy góp phần thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở, xây dựng quan hệ hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và người lao động. TRONG ẢNH: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung (giữa) làm trưởng đoàn công tác kiểm tra kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Chi bộ Ban quản lý dự án lưới điện miền Trung. Ảnh: CTV |
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tình hình trong nước có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15-10-1949 với bút danh X.Y.Z. Bài viết là cẩm nang công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và ngày 15-10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”.
Trong hơn 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại; các chính sách về an sinh xã hội, chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, ” 4 an” đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
An ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường. Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, doanh nhân, đội ngũ trí thức, thanh niên, công tác tôn giáo, dân tộc…
Lãnh đạo chủ chốt thành phố thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các giới, các ngành để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Năm dân vận chính quyền” trên địa bàn thành phố. Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng phong cách dân vận của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức các cấp và của lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, tiếp tục làm tốt việc vận động nhân dân chấp hành chủ trương di dời giải tỏa để chỉnh trang đô thị; công tác giảm nghèo, giáo dục thiếu niên hư vi phạm pháp luật; vận động xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Đặc biệt, trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận rất cao trong nhân dân góp phần giúp thành phố sớm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Công tác và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và đoàn thể.
Phát huy thành quả đạt được, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị của thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận trong thời gian đến như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng về công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành thông qua Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo; các hoạt động giao ban, hội nghị chuyên đề... để bao quát toàn diện các lĩnh vực, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm đồng bộ cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận.
Hai là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hướng về cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình, đời sống, tâm trạng các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động nhân dân nhận thức đúng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đấu tranh, phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp gắn với triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 5-8-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 17-5-2022 về tăng cường lãnh đạo việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả. Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên trong tổ chức; làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; làm nòng cốt chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư.
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; khuyến khích, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, trong công tác dân vận nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, phát huy tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân đóng góp cho xã hội, cho phát triển đất nước.
Phát huy truyền thống vẻ vang công tác dân vận của Đảng trong suốt 92 năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng bộ thành phố ghi lòng tạc dạ những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Ghi nhớ lời dặn của Người, với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, những người làm công tác dân vận của thành phố Đà Nẵng hôm nay khẳng định quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ và nhân dân thành phố giao cho, tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng của toàn dân, quyết tâm xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
LÊ VĂN TRUNG
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy