Chính trị - Xã hội
Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng
Các mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)” (viết tắt Tổ liên gia - PV) và “Điểm chữa cháy công cộng” tại tổ dân phố 49, 105 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) giúp người dân chủ động phòng ngừa cũng như giảm các sự cố cháy nổ xảy ra trên địa bàn khu dân cư.
Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy lắp đặt thiết bị tại Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tại tổ 49, đường Thế Lữ. (Ảnh Công an phường An Hải Bắc cung cấp) |
Người dân chủ động phòng cháy, chữa cháy
Tổ liên gia được UBND phường An Hải Bắc tổ chức thí điểm tại khu dân cư An Hòa 1, tổ dân phố 49, nơi có 15 hộ dân đang sinh sống. Theo đó, mỗi hộ lắp đặt 1 chuông báo cháy và 2 nút ấn báo cháy (một nút ấn trong nhà, một nút ấn ngoài nhà). Nút ấn và chuông báo cháy được liên kết với nhau. Ngoài ra, mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 bộ dụng cụ phá dỡ. Các thành viên hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo phần mềm “Help 114”, trong đó lưu ý cập nhật danh sách thành viên trong Tổ liên gia để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này, bà Đặng Thị Ái Thương, Tổ liên gia 49 chia sẻ, điểm đặc biệt của mô hình là nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ được liên kết với nhau. Vì thế khi một hộ ấn nút báo cháy thì toàn bộ chuông sẽ phát tín hiệu. Nút bấm vừa đặt bên trong, vừa đặt bên ngoài căn nhà để người dân linh động sử dụng khi xảy ra sự cố. Mọi cư dân đều có thể nghe được tiếng chuông để nhanh chóng có phương án thoát hiểm hoặc chuẩn bị dụng cụ cứu hỏa.
Bên cạnh mô hình Tổ liên gia, UBND phường An Hải Bắc triển khai thêm mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại tổ dân phố 105 thuộc khu vực An Tân - nơi có 60 hộ dân. Những ngôi nhà ở đây được xây dựng theo kiến trúc nhà ống 2 tầng, kiên cố, vừa làm nơi ở, vừa làm nơi kinh doanh nên chứa nhiều hàng hóa, gây khó khăn cho việc thoát nạn nếu không may hỏa hoạn xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, thông qua mô hình, người dân trên địa bàn được hướng dẫn, tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC; được tiếp cận, hướng dẫn sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ; xử lý, thực tập thuần thục kỹ năng về PCCC, các tình huống cháy nổ, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, mỗi hộ dân tham gia mô hình đóng góp 1 triệu đồng kinh phí lắp đặt. Đối với hộ gia đình khó khăn, phường xem xét kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ kinh phí.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Thiếu tá Nguyễn Năng Tuấn, Phó trưởng Công an phường An Hải Bắc cho biết, việc triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn phường An Hải Bắc đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp người dân chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng cháy, nổ. Đồng thời chủ động xây dựng lực lượng, phương tiện, phương án nhằm xử lý tình huống nhanh nhất, hiệu quả nhất, phát huy tính chủ động, tương trợ, đoàn kết giữa các gia đình khi xảy ra cháy nổ.
“Với đặc thù địa bàn rộng, các hộ gia đình sống liền kề, các ngôi nhà thường xây dạng nhà ống gây khó khăn cho công tác PCCC, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp UBND phường nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đến tất cả tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn phường. Mô hình sẽ giúp phát hiện và thông báo sự cố cháy nhanh nhất. Từ đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ, lây lan đám cháy”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Năng Tuấn, để bảo đảm hiệu quả phối hợp, các Tổ liên gia phải có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ tổ trưởng, tổ viên, chủ hộ gia đình và thành viên sinh sống tại các hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ như xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu... Các phương tiện để ở nơi quy định, dễ thấy, dễ lấy.
KHÁNH HUYỀN