Cần thúc đẩy tái sử dụng nước thải sau xử lý

.

Nước thải sau xử lý tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các trạm xử lý nước thải tập trung cần được tái sử dụng, làm giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường và khí hậu.

Đại diện các đơn vị kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý trước khi tái sử dụng để tưới cây, điều hòa khí hậu tại một khu nghỉ dưỡng ở quận Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đại diện các đơn vị kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý trước khi tái sử dụng để tưới cây, điều hòa khí hậu tại một khu nghỉ dưỡng ở quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong khuôn khổ dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đang phối hợp triển khai hợp phần thúc đẩy các sáng kiến tái sử dụng nước trong các doanh nghiệp nhằm tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Các đơn vị đã lắp đặt 1 hệ thống trình diễn tái sử dụng nước thải sau xử lý có công suất sử dụng nước 10m3/ngày tại một khu nghỉ dưỡng ở quận Ngũ Hành Sơn để tưới cây, thảm thực vật trong khu nghỉ dưỡng. Đồng thời, lắp đặt 1 hệ thống tương tự có công suất 15m3/ngày tại Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH MTV Thiên Mã ở Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) để tưới, rửa, giúp làm mát và sạch nhà xưởng. Sau thời gian lắp đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh kỹ thuật, chất lượng nước tái sử dụng đạt các yêu cầu đề ra và tiết kiệm, giảm chi phí xử lý nước thải, giảm thuế sử dụng tài nguyên, giảm tiền khai thác nước ngầm và giảm tiền sử dụng nước thủy cục phải nộp của doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiên Mã Lê Văn Vượng cho rằng: “Sau khi qua hệ thống hấp phụ và lọc thì nước thải sau xử lý bảo đảm chất lượng tái sử dụng. Với công suất tái sử dụng nước thải sau xử lý 15m3/ngày, giúp công ty giảm 130.000 đồng/ngày chi phí đấu nối, xử lý nước thải (8.600 đồng/m3), giảm được tiền nước thủy cục phải trả (15.000 đồng/m3) và cũng có căn cứ để giảm thuế sử dụng tài nguyên. Hiện công ty đang tái sử dụng nước thải sau xử lý để vệ sinh, tưới sàn, làm mát nhà xưởng... và đang nghiên cứu sử dụng nước giải nhiệt cho hệ thống cấp đông, máy lạnh. Việc tái sử dụng nước mang lại nhiều lợi ích nên chúng tôi cũng mong được nghiên cứu nâng công suất tái sử dụng toàn bộ nước thải sau xử lý hằng ngày của nhà máy”.

TS Nguyễn Đình Huấn, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, qua khảo sát tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà máy sản xuất, chế biến... trên địa bàn thành phố, nhiều doanh nghiệp mong muốn tái sử dụng nước thải sau xử lý và cũng mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn... để thực hiện tái sử dụng nước.

Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi ích về kinh tế như: giảm tiền nước phải thanh toán hằng tháng, giảm tiền xử lý nước thải... Hệ thống tái sử dụng nước thải sau xử lý khi được sản xuất hàng loạt sẽ có chi phí phù hợp, đáp ứng nhu cầu tái sử dụng nước của các doanh nghiệp, có thể tận dụng những bể, bồn chứa và thiết bị hiện có của doanh nghiệp để lắp đặt. Hệ thống này có tính khả thi và có ý nghĩa về mặt môi trường khi nhân rộng, nên cần được thúc đẩy tái sử dụng nước thải sau xử lý tại các doanh nghiệp.

Vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý không chỉ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quan tâm, mà cũng là trăn trở của các doanh nghiệp đang trực tiếp thi công, vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố. Giám đốc Văn phòng Công ty CP Kỹ thuật SEEN tại Đà Nẵng Phạm Văn Thuần chia sẻ giá thành tái chế, tái sử dụng nước thải ngày càng thấp do công nghệ xử lý ngày càng cao, phù hợp với việc bổ cập nước cho nhiều mục đích.

Đà Nẵng đã có nhiều đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải rộng khắp với tổng công suất xử lý nước thải gần 350.000m3/ngày. Nước sau xử lý là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và có tiềm năng tái sử dụng nước rất lớn. Vào mùa khô, mực nước các hồ, kênh... hạ thấp gây ra những sự cố môi trường, nhất là tình trạng cá chết, phát tán mùi hôi ra môi trường... Do đó, thành phố cần bơm trữ lượng nước thải sau xử lý đã đạt quy chuẩn với tổng công suất gần 350.000m3/ngày lên đầu nguồn các kênh, hồ để tạo dòng nước luân chuyển, bảo đảm môi trường và điều hòa khí hậu.

Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà thông tin, hiện nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố đã được thu gom, xử lý hơn 88%. Bên cạnh đó, 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý và được quan trắc tự động, liên tục. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong ngoài nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái sử dụng nước thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp cũng như giải pháp tái sử dụng nước sau thải sau xử lý, tuần hoàn nước tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.