Chính trị - Xã hội
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng
ĐNO - Chiều 12-11, hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc” tiếp tục phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận số 6, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, doanh nghiệp làm truyền thông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh dự phiên thảo luận.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bên trái) dự phiên thảo luận buổi chiều. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhà nhà có mạng wifi, người người có điện thoại di động thông minh, những người làm công tác truyền thông cần tận dụng bất kỳ công cụ truyền thông nào mình có để đưa thông tin nhanh nhất, sớm nhất, chuẩn nhất đến với người dân.
“Giờ là lúc phải chủ động, tận dụng nó (mạng xã hội) để nó phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta. Chúng ta làm chậm thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh và phủ sóng thay các nguồn thông tin chính thống”, ông Sâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, làm thế nào để trang mạng xã hội hấp dẫn, Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm nhấn mạnh, cần phải cực kỳ hiện đại, nội dung ngắn và súc tích nhưng phải ấn tượng, trong thể hiện phải bám theo hơi thở của cuộc sống.
Bên cạnh đó, người vận hành phải chuyên nghiệp, tận tâm, đam mê và giỏi đồ họa công nghệ; đồng thời phải kiểm soát tốt bình luận tương tác của người dùng mạng xã hội. Đặc biệt, một trong những vấn đề quan trọng là thông tin cần phải có tính định hướng dư luận…
Theo ông Sâm, thời gian qua, trang “Thông tin Chính phủ” trên mạng xã hội facebook đã góp phần tích cực vào công tác này, đồng thời được lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, các đại sứ quán đánh giá cao, có lượng truy cập, chia sẻ lớn; qua đó giúp lan tỏa thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đưa Chính phủ đến gần hơn với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và bạn bè quốc tế.
Nhà báo Phan Thanh Phong, Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân Dân hàng tháng cho biết, xu thế tiếp cận mới cũng đã buộc các cơ quan báo chí tìm những cách đi mới để tiếp cận và thu hút độc giả một cách nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất.
Từ tháng 8-2021, Radio Nhân Dân, kênh phát thanh trên nền tảng số podcast của Báo Nhân Dân, khởi kênh bằng Chương trình Đọc truyện ra đời.
Báo Nhân Dân hiện có các ấn bản giấy, điện tử, truyền hình và radio là kênh non trẻ nhất, sự ra đời của radio đánh dấu một bước trong việc mở rộng các loại hình truyền thông đa phương tiện để tiếp cận độc giả của báo Đảng.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ |
“Hiện nay, Radio Nhân Dân có các chương trình đọc truyện (phát 2 lần 1 tuần, mỗi chương trình kéo dài từ 20-30 phút); bản tin thời sự (phát 2 bản tin mỗi ngày vào buổi sáng và chiều, mỗi bản tin 10 phút); chương trình Dân tộc - Tôn giáo (phát 1 lần/tuần, mỗi chương trình khoảng 30-40 phút)”, bà Phong nói.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh thông tin thêm, các chương trình này được phát chủ yếu dưới dạng podcast trên đa nền tảng từ các ứng dụng phổ biến đến các kênh nghe nhạc thông dụng được giới trẻ ưa chuộng hiện nay như: Youtube, Apple Podcast, Google Podcast, Spotify, Amazon Music, Soundcloud.
Đặc biệt, theo ông Lê Quốc Minh, Báo Nhân dân hiện đang sở hữu 400 câu chuyện độc quyền, đồng thời mời những giọng đọc của nghệ sĩ, các nhà văn nổi tiếng bình luận. Bên cạnh đó, tập trung đa dạng nội dung, mỗi sản phẩm nhắm đến mỗi đối tượng nhất định, chọn những nội dung chính thống nhằm lan tỏa thông tin tích cực…
NGỌC PHÚ