Chính trị - Xã hội

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng góp ý 2 dự thảo luật quan trọng

08:22, 02/11/2022 (GMT+7)

Chiều 1-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố thảo luận ở tổ số 6 cùng đại biểu các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Trà Vinh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng tham gia phiên thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng tham gia phiên thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao sự cần thiết việc ban hành dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. So với nhiều dự án luật mà Quốc hội đã thông qua, Luật Phòng thủ dân sự có điểm mới, đó là quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành cũng như  ủy ban nhân dân các cấp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong khoản 1, Điều 13 của Luật Quốc phòng năm 2018 nêu: “phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh” nhưng tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật Phòng thủ dân sự lần này bao gồm các biện pháp phòng, chống khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là sự thay đổi căn bản về mặt bản chất giữa Luật Quốc phòng năm 2018 với Luật Phòng thủ dân sự lần này, do đó, đề nghị trong phần điều khoản thi hành luật cần đưa nội dung sửa khoản 1, Điều 13 của Luật Quốc phòng để phù hợp với khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 9, Ban soạn thảo cần bổ sung hành vi “không chấp hành các quy định, biện pháp, yêu cầu hoặc sự chỉ đạo, chỉ huy trong hoạt động dân sự của cơ quan, người có thẩm quyền”; tại Khoản 2, Điều 12 cần bổ sung “các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến” là những công trình thuộc hệ thống phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, cần bổ sung thêm nội dung “yêu cầu người dân ở lại những nơi an toàn, không di chuyển trên biển, trên sông, trên đường, đi vào những nơi có nguy cơ, vào các khu vực có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố” vào Khoản 2, Điều 18. Đối với nội dung quy định tài sản phòng thủ, đề nghị cần xác định tài sản tham gia vào việc phòng thủ dân sự phải là tài sản của cả nguồn lực xã hội, như vậy mới huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia vào việc khắc phục và hỗ trợ, nhất là khi các thảm họa và các sự cố xảy ra.

Đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết qua nghiên cứu, nhiều quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân ở phạm vi lớn nhưng chỉ quy định bằng các văn bản dưới luật và những quy định này chưa được bảo đảm. Cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có quy định liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự nhưng các văn bản này áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, chưa có tính bao quát, thống nhất, toàn diện. Trong khi thực tế nước ta, thời gian qua, thường xảy ra dịch bệnh, thiên tai, gây thiệt hại nhiều về tài sản và con người. Do đó, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là phù hợp, cần thiết. Đại biểu Trần Đình Chung đề nghị  Ban soạn thảo cần bổ sung, điều chỉnh một số cụm từ tại các điều, khoản của luật để phù hợp và chặt chẽ hơn.

Thảo luận về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã, đồng thời đề nghị sử dụng tên cũ là “Luật Hợp tác xã” chứ không sử dụng tên mới là “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”.

Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, dự thảo luật có rất nhiều điều chỉnh, bổ sung mới liên quan đến nhiều đối tượng, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hình thành một số chủ thể kinh tế hợp tác mới. Việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia trong tình hình mới.

Theo chương trình, sáng 1-11, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

.