Chính trị - Xã hội
Nhọc nhằn đời sống công nhân
Sau khi Covid-19 được kiểm soát, tình hình vật giá ngày càng tăng cao, trong khi nguồn thu nhập tiền lương eo hẹp khiến đời sống một bộ phận công nhân lao động trên địa bàn trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh nỗi lo về nguồn thu nhập, đời sống tinh thần của nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân ngoại tỉnh, dường như rất nghèo nàn, đơn điệu. Nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng đã có dịp tiếp xúc và tìm hiểu thực trạng đời sống công nhân hiện nay.
Những căn trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp là nơi nghỉ ngơi của nhiều công nhân, người lao động sau những giờ làm việc mỏi mệt. TRONG ẢNH: Một dãy trọ nhỏ hẹp chỉ vừa 1 chiếc xe máy trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Ảnh: PV |
Bài 1: Đời sống khó khăn
Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã tiếp cận với nhiều khu nhà trọ cũ kỹ nằm san sát nhau, có căn phòng chỉ vỏn vẹn gần chục mét vuông là nơi ngả lưng khi đêm về của nhiều công nhân trên địa bàn thành phố. Dù điều kiện sống không bảo đảm nhưng với mức giá phù hợp với khoản thu nhập còn khiêm tốn, những căn phòng ẩm thấp, thấm dột vẫn được nhiều công nhân chấp nhận sống qua ngày.
Điều kiện sống thiếu an toàn
Nhỏ hẹp, xập xệ, thiếu an toàn… là những gì chúng tôi cảm nhận khi có mặt ở một số dãy nhà trọ giá rẻ của công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Càng vào sâu trong từng dãy trọ, mùi ẩm mốc, mùi thực phẩm, quần áo… như xộc thẳng vào mũi. Vào ngày nắng nóng, mái tôn như chiếc lò vi sóng liên tục tỏa nhiệt hầm hập trong căn trọ. Còn ngày mưa, ở một số nhà trọ ở vùng trũng thấp gần ao, hồ, nước ngập lên tận chân giường. Tìm đến một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, không khó bắt gặp những căn phòng trọ “điển hình” như vậy. Đây là nơi được nhiều công nhân chọn làm chỗ “sống tạm” sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc. Bên cạnh không gian chật hẹp, các vấn đề như an ninh trật tự, an toàn vệ sinh, cháy nổ… là những nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thực tế, việc sinh hoạt trong những dãy nhà trọ không bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường đã ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người mà phổ biến là những bệnh như: kiết lị, sốt xuất huyết...
Căn phòng trọ với diện tích gần 15m2 của anh Đỗ Hoàng Quân (công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh) tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu có giá thuê là 850.000 đồng/tháng. Bao quanh căn phòng là 4 bức tường đã có bị bong, tróc, nứt theo thời gian. Vào những ngày hè, nhiệt độ trong phòng trọ rất cao khiến cho những thiết bị điện tử trong nhà luôn có nguy cơ cháy, nổ thường trực. Nhưng đáng lo nhất là mỗi khi có gió bão, mái tôn của phòng trọ giật liên hồi như muốn hất tung lên. Bão số 4 (Noru) vừa qua, anh phải cùng vợ con di chuyển qua trường học kiên cố theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, anh Nguyễn Cửu Nam (công nhân tại Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, tại khu vực anh đang thuê trọ, những đường thoát nước thải từ dãy trọ ra tới đường cống không có nắp đậy, cây cối xung quanh không được phát quang khiến số lượng muỗi, ruồi khá nhiều. Vào mùa mưa, những đường thoát nước bị tắc nghẽn khiến nước dâng lên mặt đường, thậm chí vào cả phòng trọ. Hầu như năm nào, dãy trọ cũng có vài công nhân bị sốt xuất huyết, tiêu chảy do muỗi, ký sinh trùng gây ra. “Vừa rồi, tôi bị sốt xuất huyết nên không thể đi làm trong gần 2 tuần. Mọi khoản tiền dành dụm được trong cả năm trời đã tiêu hết trong quãng thời gian ngắn để phục vụ cho việc nằm viện chữa bệnh”, anh Nam trải lòng.
Còn hai vợ chồng chị Lê Thị Hồng (quê Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đang làm công nhân may túi xách trong Khu công nghiệp Hòa Khánh lại chọn thuê trọ nằm sâu trong con hẻm cuối K82 Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Dãy nhà trọ này chỉ có 4 phòng được chủ nhà làm tận dụng trên khu đất sắp giải tỏa. Vì ở gần hồ nước nên mỗi lần có mưa to là nước chảy từ đường kiệt xuống phòng trọ. Do giá thuê chỉ có 350.000 đồng/phòng/tháng (bằng 1/2, 1/3 so với những nhà trọ khác) nên vợ chồng anh vẫn cố gắng “bám trụ” thêm ít thời gian nữa để tiết kiệm chi tích cóp để dành dụm thêm.
Đối với chị Đỗ Thị Huệ (quê Gia Lai), công nhân tại Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, một trong những vấn đề khiến công nhân sống tại các khu, dãy trọ luôn lo sợ là nạn trộm cắp. Theo chị Huệ, nhiều khu trọ giá thấp nên camera giám sát không có, vấn đề bảo đảm an toàn ít được chủ trọ quan tâm. Trong khi đó, công nhân làm việc trong thời gian cố định từ sáng đến chiều, có khi tăng ca đến tối. Dãy trọ cũ trước đây gia đình chị Huệ thuê thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp, đặc biệt trong thời gian ban ngày khiến chị vô cùng lo lắng. “Không ai muốn sống trong một căn phòng chật hẹp, không bảo đảm an toàn cả nhưng giờ tiền lương thấp, chi phí sinh hoạt ngày tăng cao thì phải chấp nhận”, chị Huệ trải lòng.
Chấp nhận sống tạm bợ
Mặc dù thấy rõ điều kiện sống không bảo đảm nhưng với nhiều công nhân, thu nhập từ đồng lương eo hẹp, trong khi mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cao nên những căn phòng trọ nhỏ giá vừa phải là mục tiêu lựa chọn hàng đầu. Chị Lê Thị Thanh Huyền, công nhân chế biến tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) trải lòng, hai vợ chồng chị đã kết hôn được 1 năm và có 1 đứa con. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị đành phải sống chung với em trai trong căn trọ có diện tích vỏn vẹn 12m2.
“Mức lương trung bình khoảng 4 triệu/tháng như tôi, nếu muốn tiết kiệm thì phải lựa chọn những căn phòng trọ giá rẻ và tất nhiên diện tích thường sẽ nhỏ, xấu và bất tiện. Một căn phòng trọ khoảng từ 10-15m2 ở gần chỗ làm có giá từ 600.000 - 900.000 đồng/tháng, chúng tôi phải ở ghép để giảm chi phí sinh hoạt hằng tháng. Biết là bất tiện nhưng phải chọn cách đó để còn dành dụm chút tiền phòng lúc ốm đau”, chị Huyền nói. Anh Đỗ Hoàng Quân bày tỏ: “Với mức lương thấp, chi phí sinh hoạt tăng cao, chúng tôi chỉ có thể chấp nhận ở trong căn phòng này”. Trong năm nay, vợ anh vừa sinh con, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng đè nặng trên vai của người đàn ông được xem là trụ cột của gia đình.
Tại dãy trọ trên đường Mân Quang 4 (quận Sơn Trà), chúng tôi gặp được anh Bríu Mệnh, một công nhân lao động người Cơtu (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đang làm việc tại Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà). Thấy người lạ đến, em trai anh Bríu Mệnh vội tạm dừng chuẩn bị bữa tối, thu dọn căn trọ nhỏ hẹp để có nơi tiếp khách. Căn phòng chỉ gần 12m2 nhưng không có nhà vệ sinh riêng. Toàn bộ việc giặt giũ hay vệ sinh cá nhân thường ngày, anh Bríu Mệnh phải sử dụng chung của dãy trọ.
Chúng tôi bất ngờ hơn khi được biết, cách đây 2 tháng, căn phòng này là nơi ở và sinh hoạt chung của 4 người gồm 2 anh em anh Bríu Mệnh và 2 người bạn đồng hương. Việc ở ghép giúp anh san sẻ bớt gánh nặng tiền trọ hằng tháng. Với mức lương ít ỏi cùng các chi phí sinh hoạt hiện nay, việc chuyển trọ là điều chưa thể, hơn nữa để tiết kiệm tiền mỗi tháng đối với anh Bríu Mệnh là không dễ dàng. Có những lúc thiếu thốn, anh phải thường xuyên vay mượn. Đến tháng nhận lương, anh chẳng còn lại bao nhiêu để trang trải, tình cảnh “giật gấu vá vai” cứ xảy ra liên tục.
Cũng nằm trên đường Mân Quang 4, phòng trọ của chị Hồ Thị Bùi (sinh năm 1979, dân tộc Pa cô, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là nơi ở và sinh hoạt của 4 thành viên trong gia đình. Bên trong căn phòng nằm cuối dãy trọ, thứ quý giá nhất của gia đình chị Bùi có lẽ là chiếc bếp ga, thiết bị gia dụng phổ biến mà phải đến Đà Nẵng, chị mới có cơ hội được sử dụng. Chị kể, trước đây mỗi tháng, vợ chồng chị thu nhập khoảng 3 triệu đồng từ việc trồng sắn, bắp… Mọi chi phí sinh hoạt, lo cho 5 người con chỉ trông chờ vào công việc làm nông của vợ chồng chị. Để đủ chi phí trang trải, vợ chồng chị cùng 3 người con lớn đến Đà Nẵng để làm công nhân. Trong căn phòng nhỏ, chị chỉ cho chúng tôi từng khu vực nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình. Mỗi người được ngủ trên 1 tấm đệm xốp mỏng. Khi ăn uống hoặc có khách đến thăm, tấm đệm được thu gọn vào góc. Chị Bùi tâm sự: “Vừa đi làm, lại tiết kiệm tiền để gửi về trả nợ ở nhà nên phải chắt chiu lắm mới đủ trang trải”.
X.DUYÊN - V.HOÀNG - C.THẮNG