Sáng 2-11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN |
Lưu ý những vấn đề mới
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI cần thẳng thắn làm rõ nguyên nhân của những chỉ tiêu chưa đạt; những mục tiêu định tính như hình thành “lưới an sinh xã hội” trước và sau khi có Nghị quyết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, việc xây dựng chính sách xã hội cần lưu ý đến những vấn đề mới xuất hiện như bối cảnh quốc tế là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với đó là những vấn đề đã được cảnh báo từ lâu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, xung đột vũ trang…
“Ở trong nước là vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu. Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đã đặt ra yêu cầu tổ chức lại không gian phát triển công nghiệp, xem xét kỹ vấn đề đô thị hóa để bảo đảm an sinh xã hội thay vì chỉ tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, Phó Thủ tướng nêu, đồng thời nhấn mạnh, phải đưa yếu tố văn hóa trong các chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, các nhóm mục tiêu, tiêu chí phát triển bền vững cần được đưa vào các chính sách xã hội giai đoạn mới theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới cần mở rộng, có sự đổi mới. Đối với người có công, bên cạnh trợ giúp vật chất, cần chú ý hơn đến yếu tố tôn vinh. Đối với các nhóm yếu thế, cần lưu ý hơn đến nhóm di dân hay nhóm người khuyết tật, tổn thương tâm lý; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, phát triển nghề công tác xã hội...
Đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu
Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128-187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019 và có thể cải thiện vào năm 2021). Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Cụ thể, các chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt và thực hiện tốt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng. Cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Hiện 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua. Chính sách trợ giúp xã hội đã mở rộng về đối tượng, tăng mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,509 triệu người năm 2021 (bao phủ 3,5% dân số), trong đó trên 55% là người cao tuổi.
Bên cạnh đó, quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn; nhà nước quan tâm huy động và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nhà nước đã tập trung nguồn lực đáng kể trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, huy động nguồn lực trong xã hội, doanh nghiệp và quốc tế để thực hiện chính sách xã hội theo các mục tiêu Nghị quyết, đặc biệt trong phòng, chống và ổn định, phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đến nay, thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực, hiệu quả, hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022.
Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chương trình đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững, “Ngày vì người nghèo”, phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, các phong trào chăm lo cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật, bảo hiểm y tế cho người nghèo...
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14,2% năm 2010 xuống còn 2,23% năm 2021. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.
Chúng ta đã cơ bản đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân. Tiêu biểu, phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non (trẻ 5 tuổi) đến trung học cơ sở. Trẻ em đi học đúng tuổi cấp Tiểu học đạt 99% từ năm 2015; cấp Trung học cơ sở đạt trên 95% năm 2020; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45,5% năm 2012 lên 67% năm 2022.
Việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2021, có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số. Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch trên quy mô lớn, thành công ngăn ngừa các đợt bùng phát trong đại dịch Covid-19.
Về nhà ở tối thiểu, nhà ở và điều kiện ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên... từng bước được cải thiện. Đến hết năm 2020 đã hỗ trợ chỗ ở cho 648 nghìn hộ nghèo nông thôn, trên 18 nghìn hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung; 52 nghìn hộ dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; 323 nghìn căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn xã hội hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN |
Về nước sạch, Chính phủ đã tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 90% năm 2021.
Ngoài ra, hợp tác quốc tế được tăng cường mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách xã hội. Các công ước, điều ước và khuyến nghị quốc tế về lao động, việc làm và an sinh xã hội được nghiên cứu và nội luật hóa. Các bộ, ngành đã tăng cường hợp tác song phương, đa phương, hợp tác khu vực và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ cả về kỹ thuật và nguồn lực, góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng dành thời gian phân tích, làm rõ những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI: Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương; chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế; hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại; nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động…
Tại dự thảo Nghị quyết một số vấn đề về chính sách xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, các ý kiến đề xuất mục tiêu: “Xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; phát triển con người Việt Nam toàn diện, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển xã hội toàn diện, hài hòa, bền vững; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại; tăng cường cơ hội tiếp cận và chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; đầu tư phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn lao động và phát triển việc làm bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân phát huy tiềm năng, phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một xã hội hòa bình, thịnh vượng”.
Theo TTXVN