Chính trị - Xã hội

Rà soát các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan

06:21, 04/11/2022 (GMT+7)

Sáng 3-11, thảo luận ở tổ số 6 cùng đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Trà Vinh về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội nên dành cho các đại biểu thời lượng thảo luận ở tổ và hội trường nhiều hơn so với các luật khác. Đồng thời phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết để sau kỳ họp, các đại biểu tiếp tục có những hoạt động để thảo luận và lấy ý kiến, bởi đây là luật đặc biệt quan trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, thậm chí đến sự phát triển lâu dài của đất nước.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cơ bản thống nhất với 7 nhóm vấn đề mà Ủy ban Kinh tế nêu trong báo cáo thẩm tra dự thảo luật, đồng thời đề nghị bổ sung một nội dung rất cấp bách trong thực tiễn và nhiều địa phương mong đợi. Đó là dự thảo luật phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, kể cả năm 2003. Ngoài ra, rà soát đầy đủ các vướng mắc, bất cập và mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, hiện nay, thống kê có 85 bộ luật có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đề xuất xem xét 4 luật cần sửa đổi là Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng và đưa vào kế hoạch sửa đổi năm 2022-2023, do đó chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, tại Điều 243 về hiệu lực thi hành, mới quy định bãi bỏ một số quy định điều luật chứ chưa rà soát đầy đủ, vì vậy phải đưa vào quy định để sửa đổi một cách đồng bộ hoặc một luật sửa nhiều luật mới giải quyết được câu chuyện đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật khác.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đồng tình với quan điểm nêu tại Điều 4, đó là phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, trong đó có nội dung ban soạn thảo đã tiếp thu được tinh thần của nhiều cử tri cũng như Trung ương đã có kiến nghị phải coi Luật Đất đai là luật trung tâm.

Đồng thời đề nghị trong dự thảo luật lần này phải cụ thế hóa được nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở chỗ cũ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, chưa có nội dung để cụ thể hóa nên phải đưa ra tiêu chí cụ thể để giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người dân.

Liên quan đến vấn đề bồi thường này, đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đề nghị phải có quy định rõ ràng, tránh khiếu nại, khiếu kiện xảy ra.

Bên cạnh đó, việc quy định về bảng giá đất tại Khoản 1, Điều 164 quy định xây dựng định kỳ hằng năm và công bố công khai áp dụng từ ngày 1-1 của năm cho việc làm bảng giá đất, đại biểu Cường cho rằng sẽ không phù hợp với thực tế và khó triển khai thực hiện.

Do đó, đề nghị khi giá đất thị trường liên tục biến động, nguyên tắc xây dựng bảng giá đất phải tương ứng với giá thị trường ở thời điểm bình thường. Ban soạn thảo cân nhắc lại và bổ sung thêm, có quy định cụ thể về nguyên tắc điều chỉnh bảng giá đất.

Theo đại biểu Cường, mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải thực hiện trên nguyên tắc là tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc tồn tại lâu nay, qua đó đáp ứng được kỳ vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý và khai thác nguồn lực đất đai của đất nước.

VŨ HƯNG - NGỌC PHÚ

.