Chính trị - Xã hội
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thảo luận 2 dự án luật sửa đổi
Sáng 2-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường phát biểu tại thảo luận tổ sáng 2-11. Ảnh: VŨ HƯNG |
Thảo luận dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường đồng tình với việc sửa đổi luật, vì với tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Giao dịch điện tử 2005 đã bộc lộ nhiều điểm yếu, hạn chế.
Đại biểu Cường đề nghị trong luật sửa đổi lần này cần có quy định cụ thể hơn để bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; ban soạn thảo có sự chỉnh lý, bổ sung và làm rõ các quy định về tài khoản định danh điện tử, xác thực điện tử, sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử; đồng thời quy định sử dụng chữ ký số trong định danh xác thực điện tử để không làm thay đổi các dịch vụ công, các hệ thống thông tin đã và đang triển khai chữ ký số để ký số, xác thực điện tử, các dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và chuyên dùng.
Liên quan đến vấn đề hợp đồng điện tử quy định tại Chương 4, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử chưa bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành để làm cơ sở pháp lý hoạt động cho các hoạt động công chứng, chứng thực điện tử. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm vấn đề về chứng thực điện tử, về công chứng và chứng thực điện tử trong các giao dịch điện tử với hợp đồng điện tử.
Thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi luật này vì nhiều nội dung trong luật hiện hành không còn phù hợp. Thực tiễn hiện nay đặt ra những yêu cầu cần phải quan tâm hơn đến vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như nghĩa vụ, quyền hạn của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị Nhà nước có chính sách để khuyến khích sản xuất hàng hóa chất lượng để phục vụ người tiêu dùng trong nước như một số nước khác.
Đại biểu Minh nêu ví dụ: tại Nhật Bản sản xuất hàng nội địa cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, phần nhiều những sản phẩm chất lượng cao sản xuất trong nước ta thì phục vụ cho nhu cầu về xuất khẩu, do đó người Việt Nam chưa được thụ hưởng những mặt hàng hóa do chính người Việt tạo ra bảo đảm chất lượng, đạt những tiêu chuẩn cao. Ngoài ra, tại Chương 5 về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, đại biểu Minh cho rằng, còn nhiều tồn tại, bất cập cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho chặt chẽ hơn, qua đó để quản lý tốt hơn để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm.
Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).
VŨ HƯNG - NGỌC PHÚ