Chính trị - Xã hội
Chuyển biến công tác bảo vệ môi trường ở âu thuyền Thọ Quang
Sau khi các gói thầu xây lắp thuộc dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang giai đoạn 1 đã thi công hoàn thành và được đưa vào sử dụng, các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang bằng nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.
Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà theo dõi hình ảnh giám sát công tác bảo vệ môi trường ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang từ phòng làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Gần đây, những ai đến làm việc tại Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà đều không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy tại phòng chuyên viên có lắp đặt 1 màn hình trình chiếu hình ảnh từ hệ thống camera ghi hình trực tiếp khu vực xung quanh âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Các chuyên viên vừa làm việc, vừa có thể theo dõi hình ảnh ghi nhận ở âu thuyền và được lưu trữ, sẵn sàng trích xuất hình ảnh để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như giám sát, đánh giá các hoạt động bảo vệ môi trường đang triển khai.
Tại văn phòng làm việc của Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, một số nhân viên được phân công trực, thường xuyên theo dõi, giám sát hình ảnh ghi lại từ 69 camera được lắp đặt bên trong cũng như xung quanh khu vực âu thuyền và cảng cá để kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm. Đơn vị tăng cường phối hợp lực lượng biên phòng, cảnh sát môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khu vực; trong đó, đã lập biên bản nhắc nhở 6 trường hợp ô-tô tải vận chuyển hàng thủy sản xả nước thải không đúng nơi quy định; lập biên bản xử phạt 18 ô-tô xả nước thải ra môi trường và 1 tàu cá xả rác thải xuống mặt nước của âu thuyền. Đồng thời, giám sát Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 15) triển khai dọn vệ sinh, thu gom rác thải thường xuyên trong khu vực; lắp đặt các bảng cấm đậu đỗ phương tiện, xả thải tại khu vực dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang...
Thời gian qua, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phối hợp lấy mẫu quan trắc định kỳ các chỉ số về môi trường không khí, môi trường nước... nhằm kịp thời có biện pháp bảo vệ môi trường và phương án xử lý. Bên cạnh đó, ban quản lý ban hành thông báo không giải quyết cho các loại xe nâng, ô-tô ben và xe hết hạn đăng kiểm vào cảng cá, chợ đầu mối thủy sản để vận chuyển thủy sản nhằm bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế gây ô nhiễm môi trường không khí.
Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện, hộ kinh doanh trong khu vực âu thuyền và cảng cá ký cam kết chấp hành tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, tự trang bị thùng chứa rác và đổ rác đúng nơi quy định, không sơ chế hải sản tại mặt bằng kinh doanh... Được biết, các chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên được thông báo tăng cường giao rác thải khi cập cảng để nhận phiếu đã giao nộp rác khi làm thủ tục xuất bến.
Ngư dân Nguyễn Xấu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90474 TS kiêm Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác xa bờ Thắng Lợi cho hay: “Trong quá trình đánh bắt trên biển, các loại vỏ chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, vỏ lon bia... được chúng tôi thu gom bỏ vào bao riêng để mang về bờ đem bán. Các loại rác còn lại phát sinh trong quá trình đánh bắt được chúng tôi cho vào bao chứa riêng và cũng đưa về bờ rồi đem giao cho Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để nhận lại phiếu xuất bến. Không chỉ tàu cá của tôi mà toàn bộ các thành viên trong tổ đoàn kết hoàn toàn ủng hộ và thực hiện tốt các quy định, hoạt động bảo vệ môi trường”.
Phó trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Phạm Trung Thành thông tin thêm, nhằm tăng cường bảo vệ môi trường ở âu thuyền và cảng cá, cuối tháng 11-2022, đơn vị phối hợp Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) triển khai hợp phần ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thuộc dự án chung tay hành động bảo vệ nguồn nước (CAWACON) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Theo đó, từ nay đến tháng 3-2023, các đơn vị, địa phương sẽ triển khai nhiều hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường trong khu vực; thành lập và đi vào hoạt động tổ môi trường cộng đồng; triển khai mô hình thương nhân thu gom, phân 3 loại rác (gồm: rác tài nguyên, rác thải nhựa có giá trị thấp và rác còn lại) phát sinh trong quá trình hoạt động; nhân rộng mô hình ngư dân thu gom, phân loại rác thành 3 loại và lưu trữ trong quá trình đánh bắt thủy sản để nộp khi cập cảng... Đặc biệt, đơn vị sẽ phối hợp triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rác thải nhựa giá trị thấp nhằm bảo vệ nguồn nước.
Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà chia sẻ: “Hợp phần nói trên có cách tiếp cận sáng tạo và huy động ngư dân, thương nhân, người hoạt động ở khu vực âu thuyền và cảng cá thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo cả cách thức truyền thống lẫn hiện đại, đó là sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội... Với rất nhiều giải pháp được các đơn vị, địa phương triển khai và kết hợp thêm các giải pháp của hợp phần này sẽ góp phần cải thiện môi trường ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang”.
HOÀNG HIỆP