Chính trị - Xã hội
Cử tri kỳ vọng đồ án quy hoạch phân khu giải quyết hiệu quả các bức xúc về đô thị
ĐNO - Cử tri thành phố kỳ vọng thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu (QHPK) được phê duyệt, các vấn đề bức xúc lâu nay như: thiếu chỗ đậu đỗ xe, ùn tắc giao thông; thiếu thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng; trật tự vỉa hè không bảo đảm, thiếu cây xanh, bất cập trong vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nước… được giải quyết căn cơ, đồng bộ và hiệu quả.
Đại biểu Lê Tùng Lâm, Tổ trưởng Tổ đại biểu đơn vị quận Thanh Khê thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ |
Đây là ý kiến của đại biểu (ĐB) Lê Tùng Lâm, Tổ trưởng Tổ ĐB đơn vị quận Thanh Khê tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, chiều 13-12.
Theo ĐB Lê Tùng Lâm, thành phố đang tiến hành việc lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt các Đồ án quy hoạch phân khu (QHPK). Tính đến nay đã hoàn thành lập 9/19 Đồ án QHPK, đã phê duyệt 1/9 đồ án, đang thẩm định 4/9 đồ án.
Đồ án QHPK là căn cứ, cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết đô thị. Vì vậy, tiến độ và chất lượng của các Đồ án QHPK có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội, công trình trọng điểm của thành phố và các địa phương đã đề ra.
Do đó, thành phố cần đề ra các giải pháp, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn để rút ngắn thời gian của từng khâu, từng bước trong tiến trình lập, góp ý, thẩm định, phê duyệt Đồ án QHPK nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đồ án.
Theo ĐB Lê Tùng Lâm, cử tri quan tâm việc xây dựng các công trình công cộng mới ở khu vực trung tâm; phương án chỉnh trang, tái thiết đô thị ở một số khu vực có mật độ dân cư cao, hạ tầng cơ sở xuống cấp; vấn đề xây dựng trường học ở các khu vực có quỹ đất công hẹp…
ĐB Lâm đề nghị các đơn vị tư vấn xây dựng đồ án QHPK cần có ý tưởng mới mẻ, đột phá, đề xuất các giải pháp phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, thiết kế đô thị một cách sát hợp với thực tiễn, vừa có tính sáng tạo vừa có tính kế thừa.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thiết kế đô thị trong đồ án QHPK theo hướng bảo tồn, phát huy các công trình kiến trúc có giá trị, các di sản, di tích văn hóa lịch sử, truyền thống; phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên của địa phương; đồng thời nâng cao hiệu quả tham gia góp ý, giám sát của cộng đồng và địa phương trong các bước tiến trình lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch nói chung và đồ án QHPK nói riêng.
Đại biểu Lê Văn Dũng, Tổ ĐB đơn vị quận Hải Châu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ |
Theo ĐB Lê Văn Dũng, Tổ ĐB đơn vị quận Hải Châu, thành phố đang khẩn trương triển khai các đồ án quy hoạch phân khu theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 nhằm phục vụ nhu cầu phát triển đô thị thành phố; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm xúc tiến đầu tư ở nhiều khu vực phía Tây, phía Nam thành phố và đang trông chờ vào chương trình, kế hoạch và khu vực phát triển đô thị được phê duyệt làm cơ sở để xúc tiến đầu tư các dự án. Do đó, việc triển khai lập, phê duyệt chương trình phát triển từng đô thị của thành phố cấp thiết và phù hợp với yêu cầu của quy định hiện hành.
ĐB Lê Văn Dũng kiến nghị HĐND thành phố có ý kiến với UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương tổ chức lập Chương trình phát triển từng đô thị, làm cơ sở xác định khu vực phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, cũng như nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
UBND thành phố cần chỉ đạo rà soát cập nhật, điều chỉnh tiêu chí, tiêu chuẩn trong chương trình phát triển đô thị bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21-9-2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
Thành phố đang hướng đến xây dựng thành phố môi trường, thông minh, phát triển bền vững. Do đó, cần nâng cao một số tiêu chí, tiêu chuẩn vượt trội như: đất cây xanh toàn đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ đất giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, các thiết chế văn hóa, tiện ích đô thị,… nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng.
L.PHƯƠNG - N.PHÚ - T.HUY