Chính trị - Xã hội
Thu ngân sách chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế
ĐNO - Đó là ý kiến thảo luận của đại biểu Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa X vào chiều 13-12.
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: PV |
Đại biểu Hòa cho biết, tổng thu ngân sách năm 2022 đang thấp hơn so với năm 2017 khoảng 700 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trưởng bình quân tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2017-2019 đạt khoảng 8,56%, giai đoạn 2020-2022 là âm 4,81%. Điều này có nghĩa là tổng thu ngân sách có tốc độ tăng trưởng giảm mạnh và không tương đương với tốc độ tăng trưởng GRDP. Do vậy, quy mô thu ngân sách thành phố có thể chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế, cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Ngoài ra, về cơ cấu, trong 3 năm qua tốc độ tăng trưởng thu nội địa giảm sâu, âm khoảng 7,5-8,0%. Trong khi thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tăng 10%. Do vậy, cần có nghiên cứu thực trạng, xu hướng nguồn thu để xây dựng kế hoạch cơ cấu nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu trong thời gian tới phù hợp và hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, theo tỷ trọng công nghiệp theo cơ cấu kinh tế chiếm 23-25%, nhưng hiện nay mới chỉ chiếm xấp xỉ 20%. Điều này liên quan đến nội dung chủ đề công tác năm 2023 được xác định là tập trung khơi thông nguồn lực. Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nhất là khi vực tư nhân, ngoài Nhà nước cần bàn bạc, nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung này. Đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến việc thu ngân sách bị thụt lùi.
“Tăng trưởng quy mô GRDP tăng hơn, nhưng thu ngân sách thụt giảm, chứng tỏ thu ngân sách có phát sinh những vấn đề nhất định. Đây là vấn đề cần đặt ra để các sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ cấu nguồn thu. Có phải chúng ta chưa làm tốt công tác chống thất thu hay không?!. Hay một số vấn đề khác liên quan đến nguồn thu”, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đặt vấn đề.
Liên quan đến cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Huỳnh Huy Hòa tiếp tục nêu: tổng sản phẩm xã hội GRDP năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ ba cả nước về tốc độ tăng trưởng là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi, quy mô nền kinh tế cơ bản đã lớn hơn trước Covid-19. Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều giữa khu vực kinh tế có thể làm tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp - xây dựng ngày càng giảm, kết quả này có thế tác động tiêu cực đến cơ cấu phát triển bền vững theo định hướng của thành phố trong thời gian đến là vấn đề cần phải thực sự quan tâm.
Đối với kế hoạch năm 2023, do lĩnh vực dịch vụ du lịch được xác định là một trong những ngành mũi nhọn của thành phố năm 2022. Cụ thể, lượng du khách ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách, gấp 2,6 lần so với năm 2021, nhưng so với trước Covid-19 thì mới chỉ đạt khoảng 40-50%, nên trong thời gian đến có thể còn nhiều tiềm năng về số lượng du khách để phát triển.
Tuy nhiên, kế hoạch khu vực công nghiệp - xây dựng dự kiến chỉ tăng 2,5-3% khá thấp so với ước thực hiện năm 2022 (ước tăng 6,2%). Từ cơ sở đó, đại biểu Hòa đề nghị thành phố cần có đánh giá, làm rõ hơn mức độ phục hồi và khả năng tăng trưởng của khu vực này (đã phục hồi được bao nhiêu so với trước dịch, khả năng còn phục hồi, duy trì tốc độ phát triển trong thời gian đến như thế nào) qua đó có những giải pháp đột phá, kịp thời và hiệu quả hơn.
Thành phố cần tập trung, đẩy mạnh hơn nữa thu hút được ít nhất một nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp; có quy mô, thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, có sức ảnh hưởng, có khả năng lan tỏa đến sự phát triển, dẫn dắt công nghệ, dẫn dắt các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ,... tạo nên sức phát triển đột phá ngành công nghiệp.
Đối với lĩnh vực xây dựng, cần tập trung nhiều hơn vào các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng, có giải pháp ổn định cung ứng nguồn nguyên vật liệu, đất san nền, đá xây dựng...
Ngoài ra, thành phố cũng cần quan tâm xu hướng, động thái của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển các luồng đầu tư, chuyển dịch địa bàn đầu tư để tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế thiệt hại do đánh giá tình hình chưa phù hợp.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: PV |
Theo Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến, qua đợt dịch vừa qua dễ thấy, khả năng chống chịu, và tác động của lĩnh vực du lịch, dịch vụ rất yếu. Điều này khác so với một số nước khác trong khu vực có thế chân vạc, với nhiều dịch vụ khác hỗ trợ để vượt qua đợt dịch nên phát triển ổn định hơn.
Do đó, trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch phải nâng chỉ tiêu phát triển cao hơn hiện nay, tiệm cận với mức 28-30% cơ cấu kinh tế để tăng khả năng chống chịu, thích ứng trước các tác động.
Đại biểu Tiến nhấn mạnh, để cân bằng nên kinh tế, ngay từ bây giờ cần tập trung hơn nữa phát triển công nghiệp tương xứng. Cần quy hoạch phân khu, lập quy hoạch chi tiết khu công nghiệp. Khẩn trương lập quy hoạch 3 loại rừng để có cơ sở chuyển đổi cho Khu công nghiệp Hòa Ninh hiện đang bị vướng quỹ đất; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các vướng mắc về thủ tục khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao để đưa khu này sớm đi vào hoạt động, tạo thành liên kết ngành trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao…
TRUNG ƯƠNG ĐỒNG Ý PHÂN CHIA, ĐIỀU TIẾT 10.000 TỶ ĐỒNG VỀ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG 3 NĂM ĐẾN Sáng 13-12, phát biểu tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Trung ương đã đồng ý và quyết định phân chia tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Đà Nẵng. "Thành phố đã làm việc với Trung ương về việc quyết định tăng tỷ lệ điều tiết lên 83% cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2023-2025. Với tỷ lệ này bình quân dự kiến ngân sách thành phố sẽ có thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025 cho công tác đầu tư phát triển và an sinh xã hội". Đồng thời, Phó Chủ tich UBND thành phố Hồ Kỳ Minh còn cho hay, qua làm việc với Trung ương, thành phố Đà Nẵng có Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 8-3-2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực". |
T. HUY - L. PHƯƠNG - N. PHÚ