Chính trị - Xã hội

Phản biện để hoàn thiện chính sách

13:02, 12/12/2022 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố”, Mặt trận các cấp của thành phố không ngừng nâng cao chất lượng phản biện xã hội các dự thảo nghị quyết, đề án, kế hoạch mới nhằm hoàn thiện chính sách trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Hoạt động phản biện xã hội được Mặt trận các địa phương thường xuyên tổ chức nhằm góp ý, hoàn thiện chính sách trước khi ban hành. Trong ảnh: Mặt trận phường Nam Dương (quận Hải Châu) tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Đảng ủy phường về việc nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng chủ chốt ở khu dân cư. Ảnh:L.P
Hoạt động phản biện xã hội được Mặt trận các địa phương thường xuyên tổ chức nhằm góp ý, hoàn thiện chính sách trước khi ban hành. TRONG ẢNH: Mặt trận phường Nam Dương (quận Hải Châu) tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Đảng ủy phường về việc nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng chủ chốt ở khu dân cư. Ảnh:L.P

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, UBND quận Sơn Trà vừa xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn quận. Để góp phần hoàn thiện dự thảo, cuối tháng 10-2022, Mặt trận quận Sơn Trà tổ chức hội nghị phản biện xã hội.

Theo dự thảo, kế hoạch gồm 6 phần, 8 nội dung và 4 giải pháp, với mục đích phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn. Tham gia phản biện, đại diện các phường, khu dân cư đóng góp 9 ý kiến về chỉ tiêu đánh giá công tác giảm nghèo, giải pháp để phong trào thi đua triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân,…

Các đại biểu đề xuất cần bổ sung các tiêu chí cụ thể về giảm nghèo của từng phường để đánh giá xếp loại thi đua hằng năm, phân bổ số lượng khen thưởng của cấp quận đối với những tập thể, cá nhân thực hiện tốt các tiêu chí thi đua,… Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà Bùi Nguyễn Tấn Phong, công tác giảm nghèo mang tính xã hội cao và cần sự đồng thuận của toàn dân. Hội nghị phản biện chính là dịp để tập hợp, lấy ý kiến của các địa phương, các tổ dân phố và nhân dân, góp phần hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành, bảo đảm sự công khai, dân chủ, minh bạch trong xã hội.

Cũng trong tháng 10-2022, Mặt trận phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) tổ chức phản biện xã hội dự thảo đề án “Bảo vệ môi trường trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông” giai đoạn 2022-2025. Theo dự thảo, mục tiêu chính của đề án là tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, Mặt trận, hội đoàn thể và cấp ủy chi bộ khu dân cư, tổ dân phố trong bảo vệ môi trường; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa khu dân cư với chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường.

Các đại biểu đại diện các đoàn thể chính trị - xã hội phường, ban công tác Mặt trận khu dân cư tán thành và nhấn mạnh việc xây dựng đề án là hợp lý. Đồng thời góp ý cần bổ sung giải pháp thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tài nguyên; xử lý các trường hợp đổ rác, chất thải sai quy định,…

Mới đây, Mặt trận phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) tổ chức phản biện xã hội dự thảo đề án xây dựng phố chuyên doanh thời trang tại tuyến đường Phan Thanh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, bên cạnh những ý kiến đồng tình, các đại biểu cũng phản biện, góp ý nhiều nội dung xác đáng, như: vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vỉa hè, lòng đường, vệ sinh môi trường khi xây dựng phố chuyên doanh; việc đặt biển hiệu, quảng cáo cần đồng bộ về kích cỡ, vị trí, màu sắc; cần có các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; cần kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lòng đường, vỉa hè, vệ sinh,...

Theo Chủ tịch UBND phường Thạc Gián Nguyễn Ngọc Long, những ý kiến đóng góp của các đại biểu thể hiện tâm huyết, trách nhiệm góp phần xây dựng chính sách, là căn cứ quan trọng để UBND phường tiếp thu, xem xét bổ sung, hoàn thiện đề án, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Ngày 10-11, Mặt trận huyện Hòa Vang tổ chức thành công hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và các cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, đây là đề án lớn, cần sự chung tay, đồng thuận của các cấp chính quyền và người dân vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.

Việc tổ chức hội nghị phản biện với sự tham gia của các ngành; hội, đoàn thể và đại diện đồng bào Cơ tu các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) là điều cần thiết để tập hợp ý kiến và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. “Mặt trận huyện đang tổng hợp ý kiến phản biện để gửi UBND huyện làm căn cứ xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo đề án trước khi ban hành”, ông Dũng cho biết.

LAM PHƯƠNG

.