Chính trị - Xã hội
Bài cuối: Cần các giải pháp tổng thể, lâu dài
Trước tình hình thiên tai đang diễn biến bất thường, xảy ra với tần suất cao hơn, cường độ khốc liệt hơn, thành phố cần có những giải pháp khắc phục hậu quả sạt lở đất theo hướng ổn định, lâu dài và có giải pháp phòng tránh, ứng phó với loại hình thiên tai này một cách tổng thể.
Khu vực suối Lương cần được đánh giá tổng thể về lũ quét và sạt lở đất, đá để bảo đảm an toàn phía trước cửa hầm Hải Vân. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đánh giá kỹ nguyên nhân để có giải pháp xử lý
Mặc dù đã hoàn thành thi công nhiều tường chắn sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) nhưng nhiều người dân vẫn đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho các khu mộ. Ông Nguyễn Văn Trí (một người dân ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đề nghị: “Người dân mong các cơ quan chức năng có nghiên cứu thêm giải pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra lũ “bùn đá” tại khe cạn đã xảy ra lũ quét, sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn để người dân an tâm”.
Còn ông Trần Quang Mạnh (người dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp xây dựng tường chắn, giảm độ cao và độ nghiêng các mái dốc đã xảy ra sạt lở đất dọc đường đèo Hải Vân. Các vị trí có nhiều đá phong hóa sạt lở hoặc đá lăn xuống đường đèo này thì cần đánh tẩy đá còn mắc kẹt ở lưng chừng sườn vệt sạt lở rồi xây tường hoặc lưới chắn. Còn đối với các vệt sạt lở lớn dọc theo các khe, suối đổ xuống đường đèo Hải Vân, đặc biệt là suối Lương đổ xuống trước cửa hầm đường bộ Hải Vân, các cơ quan chức năng cần có đánh giá kỹ càng để có giải pháp vừa chống lũ quét, vừa chống dòng lũ bùn đá với rất nhiều hòn đá lớn bị nước cuốn lăn xuống đường.
Đối với khu vực bán đảo Sơn Trà, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng Phan Đình Đức cho biết: “Vừa qua, tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thành phố có đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa đoạn qua khu vực bán đảo Sơn Trà với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Chủ tịch nước đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất của thành phố. Chúng tôi và đơn vị tư vấn đang đề xuất các giải pháp xử lý sạt lở ở bán đảo Sơn Trà, trên cơ sở đó làm hồ sơ để thành phố làm việc, đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu, hỗ trợ xử lý sạt lở ổn định, lâu dài tại bán đảo Sơn Trà”.
Theo nhiều người dân, để phòng tránh sạt lở đất, đá tại các khu vực đồi, núi, đèo..., thành phố cần thu hồi các diện tích đất rừng trồng để chuyển thành rừng phòng hộ, không để tình trạng khai thác rừng trồng và xử lý thực bì để trồng rừng tạo thành các đồi, núi trọc, dễ gây lũ quét, sạt lở khi có mưa lớn.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho rằng: “Vừa rồi, chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế và thấy rằng hầu hết các vị trí sạt lở xảy ra ở những khu vực rừng được giao cho các hộ dân trồng rừng, nhất là trồng cây keo lá tràm, do người dân thu hoạch cây nên xảy ra sạt lở. Vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu chuyển đổi phù hợp những vị trí rừng trồng có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, tại một số khu vực sạt lở có tình trạng là không sạt lở ở những vị trí đã kè cục bộ mà những vị trí không kè thì bị sạt lở. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến giải pháp xây dựng kè tổng thể. Ngoài ra, có một số vị trí cống ngang đường cho nước thoát xuống khe thì do cống hộp quá hẹp, không đủ cho nước chảy băng qua nên gây xói lở. Vấn đề này, các sở, ban, ngành của thành phố cũng cần nghiên cứu thêm”.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa nhìn nhận, từ năm 2020, các sở, ban, ngành của thành phố và huyện Hòa Vang đã nghiên cứu giải pháp xử lý sạt lở, di dân ở các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở tại xã Hòa Bắc, Hòa Sơn, Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Qua đợt mưa cực đoan xảy ra vào ngày 14-10-2022, không chỉ ở huyện Hòa Vang, mà trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở khác. Khai thác rừng trồng chỉ là một nguyên nhân xảy ra sạt lở, còn do nhiều yếu tố khác như: cường độ mưa rất lớn, địa chất, độ ổn định ở khu vực xảy ra sạt lở...
“Những khu vực cần di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở thì thành phố cần tập trung di dời dân. Còn những khu vực xảy ra sạt lở mà không có người dân thì áp dụng các biện pháp xử lý, chống sạt lở phù hợp. Tuy nhiên, việc xử lý sạt lở trên địa bàn thành phố cần có giải pháp tổng thể. Chúng tôi đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương thống kê, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thành phố và đề xuất giải pháp. Trên cơ sở đó, sẽ có nghiên cứu để có giải pháp phù hợp; đồng thời, chúng tôi cũng đã đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát hết tất cả các hồ trên địa bàn thành phố, nhất là các hồ do khai thác khoáng sản tạo ra, hồ do dân tự khai thác...”, ông Hoàng Thanh Hòa nói.
Bảo đảm phát triển bền vững
Cũng theo ông Hoàng Thanh Hòa, hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp một đơn vị nghiên cứu cùng các nhà khoa học nghiên cứu đề tài cấp thành phố về ứng dụng các giải pháp và công nghệ nhằm bảo đảm an toàn trước thiên tai do sạt lở đất và lũ quét gây ra cho khu vực miền núi và cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan. Mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài là đánh giá và phân vùng sạt lở phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan; đề xuất được giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phòng tránh sạt lở đất và bảo đảm an toàn cho người dân cùng các công trình giao thông, thủy lợi, các hồ chứa nước...
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đơn vị đang hoàn chỉnh dự thảo Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt, trong đó đã cập nhật những vấn đề liên quan đến đợt mưa lịch sử xảy ra vào ngày 14-10. Trong đó, về giải pháp chống sạt lở đất, đá, thành phố sẽ rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân của các đơn vị, tổ chức có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét và chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện, tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, tiến hành điều tra cơ bản về lũ quét, sạt lở đất, hiện trạng về dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông, ven sông, khu vực đồi núi. Đồng thời, xây dựng Đề án phòng chống sạt lở đất, đá trên địa bàn thành phố; lồng ghép triệt để các nội dung phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (lũ, sạt lở đất) vào kế hoạch phát triển các ngành có hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; triển khai các dự án chống sạt lở đất, đá ở vùng đồi, núi ở huyện Hòa Vang và các đường lên bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, đường Bà Nà - Suối Mơ...
Tổng lượng mưa ghi nhận được tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, Hòa Bắc, Hòa Phú... trong 3 năm 2020, 2021 và 2022 đều cao hơn rất nhiều so với tổng lượng mưa lịch sử đo được tại Đà Nẵng vào năm 1964, năm còn đọng lại trong ký ức của nhiều người cao tuổi với tên gọi đầy ám ảnh: “lụt năm Thìn”, “họa năm Thìn”... Trước xu hướng mưa cực đoan, thành phố cần có đánh giá và khắc phục, xử lý tổng thể cũng như có giải pháp cảnh báo, ứng phó kịp thời với loại hình thiên tai sạt lở đất và lũ quét để bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, tài sản và tính mạng nhân dân.
HOÀNG HIỆP