Chính trị - Xã hội

50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973 - 27-1-2023): Mốc son lịch sử chói lọi

07:38, 27/01/2023 (GMT+7)

Cách đây 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris) được ký kết. Đây là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại, buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam Tết Mậu Thân 1968 làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”. Chính trong tình hình đó, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Gionxon tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”. Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên, phải mất 30 ngày, hai bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của ta.

Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber. Đến ngày 2-2-1972, để tăng sức ép với Mỹ và phối hợp với các hoạt động quân sự đang được chuẩn bị, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố “Hai điểm nói rõ thêm” trong giải pháp 7 điểm ngày 1-7-1971. Ngày 24-3-1972, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn. Ngày 30-3-1972, quân và dân Việt Nam mở cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến đồng bằng Cửu Long.

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của chính quyền Nixon thất bại một bước nghiêm trọng. Ngày 13-7-1972, Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên ở Paris. Từ tháng 7 đến tháng 9-1972, đã diễn ra bốn cuộc gặp riêng, Việt Nam đã lần lượt đưa ra 3 đề nghị, phía Mỹ đưa ra 4 đề nghị. Việt Nam muốn có một hình thức chính quyền liên hiệp, Mỹ muốn giữ chính quyền Sài Gòn, giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam trong khuôn khổ chế độ chính quyền Sài Gòn. Qua ba tháng thương lượng, tranh cãi gay gắt, đàm phán đạt một số thỏa thuận: Mỹ nhận rút hết quân trong ba tháng, thực hiện ngừng bắn tại chỗ ở miền Nam, cam kết chấm dứt dính líu về quân sự, nhận lập ủy ban hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử.

Tại phiên họp ngày 8-10-1972, phiên họp bước ngoặt của diễn đàn đàm phán bí mật, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”. Ngay trong chiều 9-10-1972, phía Mỹ đưa ra một phản đề nghị dưới dạng dự thảo hiệp định, trong đó chấp nhận nhiều điều khoản và vấn đề đoàn Việt Nam đã nêu. Đến ngày 20-10-1972, hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, dự định ký Hiệp định ngày 31-10-1972.

Tuy nhiên, ngay sau khi Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, phía Mỹ đã nêu ra nhiều trở ngại để trì hoãn việc ký hiệp định. Đỉnh điểm, ngày 18-12-1972, chính quyền Nixon tổ chức chiến dịch đánh phá bằng máy bay chiến lược B52 với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam nhằm gây tổn thất lớn nhất có thể, ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận điều kiện của Mỹ tại bàn đàm phán Paris. Tuy nhiên, quân và dân ta đã kiên quyết giáng trả, đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Bị thất bại nặng nề, ngày 30-12-1972, Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. 

Ngày 8-1-1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Đến ngày 27-1-1973, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Paris: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đế quốc Mỹ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 28-l-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam, Hiệp định Paris chính thức được thi hành, buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn…

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á - giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay. Đó là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; về tầm quan trọng của thực lực, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về xây dựng lực lượng...

Những thành tựu đối ngoại, ngoại giao của đất nước sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Cho đến nay, chúng ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nhân dân ta. Tính đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp  Quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần, trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới…

NGỌC PHÚ
Tổng hợp theo nguồn tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao

.