Báo Xuân 2023
Hành trang cho thế hệ trẻ
Sau 35 năm Đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người tăng gần 9 lần, đạt 3.694 USD vào năm 2021 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, đặc biệt là cà phê, lúa gạo, chè, hạt điều… Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tính theo chuẩn mới từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021. Qua đó cho thấy đại đa số gia đình có cuộc sống khá giả hơn, nên lớp trẻ được học hành và lớn lên trong môi trường sung túc hơn.
Để có được kết quả này ngoài quyết sách của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn xã hội, nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây qua quan sát, trao đổi, giảng dạy cho sinh viên - thế hệ trẻ kế cận sẽ đóng vai trò quyết định cho phát triển đất nước, tôi cảm thấy chưa an tâm cho tương lai. Học ở bậc phổ thông thì đối phó để vào được đại học và ngày nay vào đại học lại quá dễ dàng.
Xã hội bây giờ làm cho đa số lớp trẻ tưởng làm gì cũng dễ có tiền, nên chạy theo toàn thứ viển vông, không có chí hướng học tập để lập nghiệp. Bây giờ không còn đói nghèo nữa nên sinh viên vào đại học cần học hỏi trau dồi những đức tính gì để vào đời tự tin, thành công trong cuộc sống? Có rất nhiều ý tưởng và quan điểm để giáo dục, nhưng qua nghiên cứu sự thành công của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam và kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ có 4 vấn đề quan trọng nhất, đó là: tư duy độc lập; dám vấp ngã, dám xông pha; tử tế, chân thành và cần cù, chăm chỉ, kiên nhẫn.
Tư duy độc lập
Một trong những kỹ năng quan trọng, nền tảng của tính sáng tạo và phát kiến để vào đời thành công là tư duy độc lập. Chúng ta biết rằng, nhờ không đi theo tư duy truyền thống “máy tính phải là lớn theo thuyết của IBM” mà Steve Jobs đã tạo ra máy tính cá nhân và đã phát triển mạnh mẽ, tiện ích như ngày nay. Bill Gates bỏ học tại Harvard để khởi nghiệp Microsoft, mà không đi theo tư duy truyền thống là phải tốt nghiệp từ Harvard mới có thể thành công,…
Theo GS John Vu, “hệ thống giáo dục khuyến khích tư duy độc lập có thể thúc đẩy nhiều tính sáng tạo và sản phẩm mới hơn các hệ thống khác”. Hệ thống giáo dục của Mỹ tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp và phát kiến thành công vượt hơn nhiều các hệ thống khác. Nhiều nhà khoa học, doanh nhân gốc Việt, Trung Quốc lại có nhiều phát minh, đang rất thành công trong vào ngoài nước mình nhờ được giáo dục ở Mỹ, Úc hay châu Âu.
Trong cuộc sống phải luôn luôn đặt câu hỏi tại sao? ý nghĩa gì?,… sẵn sàng từ bỏ những cái cũ lạc hậu, tìm tòi, đề xuất những cái mới để trả lời cho được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Sinh thời Bác Hồ đã nói: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý...
Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... cái gì mới mà hay thì ta phải làm”. Với giáo dục truyền thống của Việt Nam làm cho học sinh phải tuân theo những chuẩn mực, làm theo mẫu có sẵn (văn mẫu, toán mẫu,…), làm cho học sinh cũng muốn nói theo ý hay lời thầy cô giáo truyền đạt, không khuyến khích các em có cái nhìn riêng, ngay cả những buổi thảo luận trên lớp.
Trong thời đại toàn cầu hóa và tràn ngập thông tin qua nhiều kênh, lớp trẻ được tiếp nhận nhanh chóng, dựa trên quan sát, tiếp thu và kinh nghiệm cá nhân nên cần phải học có cách nhìn riêng. Điều đó giúp cho lớp trẻ chủ động, biết cách phân tích sự kiện và dữ liệu và phát triển cách nhìn riêng của họ thay vì được bảo phải làm gì. Mỗi người một hoàn cảnh, một lối sống khác nhau, vì vậy sự suy nghĩ, tư duy cũng khác nhau, nhưng trong thời buổi kỷ nguyên số này, tài sản lớn nhất của mỗi người không chỉ là thời gian nữa mà còn là sự tập trung. Phải tập trung thì mới có thể suy nghĩ, tư duy độc lập được.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tham gia triển lãm sản phẩm nghiên cứu khoa học năm 2022. |
Dám vấp ngã, dám xông pha
Elon Musk, CEO Tesla và SpaceX với những biệt danh như “Tỷ phú thiên tài”, “Iron Man đời thực”,... sau khi bán công ty PayPal cho Ebay đã được 180 triệu USD. Nhưng với ước mơ đưa loài người chinh phục vũ trụ, tạo ra thế giới nhiều hành tinh, Elon Musk bắt đầu làm SpaceX. SpaceX đã phóng tên lửa Falcon 3 lần thất bại và Elon Musk chỉ còn đủ tiền để làm rocket cho lần 4, nếu thất bại thì SpaceX giải thể.
Lần phóng thứ 4, SpaceX đã thành công và sau đó mang về hợp đồng từ NASA với giá trị khoảng 1,6 tỷ USD. Elon Musk đã chế tạo thành công tên lửa đẩy tái sử dụng nhiều lần - mà thế giới chưa ai làm được. Nay Công ty Tesla có giá trị hơn 1.000 tỷ USD và SpaceX hơn 100 tỷ USD và mới đây Elon Musk đã mua lại mạng xã hội Twitter cho thấy dám xông pha, dám vấp ngã của Elon Musk.
Việt Nam ta có câu “Thất bại là mẹ thành công”, mỗi lần thất bại ta lại học được những bài học sâu sắc, rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại để tránh sai lầm. Thomas Edison đã từng có hơn 10.000 lần thí nghiệm thất bại, trước khi cho ra được bóng đèn điện đầu tiên trên thế giới. Nhờ kiên trì không nản chí nên nhân loại mới có được nhà phát minh lỗi lạc bậc nhất mọi thời đại, làm thay đổi đời sống nhân loại.
Soichiro Honda là chủ hãng Honda nổi tiếng, lập nghiệp từ năm 15 tuổi từ thợ sửa xe tại một gara ở Tokyo và với bao thăng trầm, gian khó, dám xông pha để tạo nên đế chế hùng mạnh - tập đoàn đa quốc gia Honda ngày nay.
Ở Việt Nam chúng ta có thể tìm thấy nhiều gương tiêu biểu nhờ dám xông pha, dám vấp ngã mà đi đến thành công, đặc biệt gần đây là những người khởi nghiệp nhờ các giải pháp mới, ý tưởng kinh doanh mới mà tạo ra được những doanh nghiệp lớn.
Các bạn trẻ Đà Nẵng có thể thấy gương của CEO Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn, cựu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn- một kỹ sư phần mềm, từ bỏ công việc thu nhập rất cao tại Thung lũng Silicon để về Việt Nam khởi nghiệp sản xuất xe máy điện. Anh đã thành công giai đoạn đầu và đang có tham vọng trở thành nhà sản xuất xe máy điện Việt Nam dẫn đầu trong khát vọng “xanh hóa” thị trường không những trong nước mà còn ở những nước đang sử dụng xe máy trong giao thông.
Thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. TRONG ẢNH: Các đại biểu tuổi trẻ tham dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027. |
Tử tế, chân thành
“Nhân chi sơ tính bổn thiện” (Mạnh Tử ), nghĩa là “Con người khi mới sinh ra vốn có bản tánh thiện và tốt lành”. Bác Hồ đã dạy: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Con người khi mới sinh ra vốn bản chất là thiện, tốt, trong quá trình phát triển, chịu ảnh hưởng của giáo dục và môi trường sống, cùng sự rèn luyện mà lớn lên tính tình có khác đi. Nếu giáo dục tốt, môi trường lành mạnh, có ý thức phấn đấu rèn luyện hướng thượng thì trở nên con người tử tế, tốt bụng nhưng cũng có một bộ phận không được như vậy. Như vậy rõ ràng tốt bụng thường là bẩm sinh, nhưng sự tử tế là do giáo dục, môi trường và gia đình tạo nên.
Sự thành thật, lòng nhân ái cần được nuôi dưỡng như một hành trang không thể thiếu cho tương lai. Cho dù với công việc gì, nghề nghiệp gì, năng lực và sự chân thành sẽ giúp con người đi xa hơn, vững vàng hơn. Chân thành trong công việc, trong các mối quan hệ và với bản thân thì mới có thể nâng cao năng lực và nâng cao tầm nhìn được. Kiến thức không tự nhiên mà đến, kiến thức được thu thập qua nhiều kinh nghiệm và sách vở nhưng phải bằng cái nhìn của một người dám thẳng thắn, thành thật với sự việc.
Nói thì dễ nhưng để giữ vững sự thành thật, tử tế cần phải được chiêm nghiệm và trau dồi trong một quá trình lâu dài. Sự chân thành này sẽ giúp các bạn có những mong muốn tốt đẹp hơn, chia sẻ nhiều hơn và biết vui với thành công của người khác, biết buồn khi nhìn thấy người khác gặp khó khăn. Lan tỏa được đức tính này là thêm một bước nữa đưa tương lai của đất nước gần hơn với xã hội phát triển toàn diện.
Tại ngày hội sinh viên 2022. |
Cần cù, chăm chỉ, kiên nhẫn
Có lẽ ai cũng hiểu những người thành công trong xã hội đều có đức tính cần cù. Đây là một đức tính không thể thiếu trong cuộc hành trình chinh phục thành công của mỗi người. Vì thế ông cha ta có câu “Cần cù bù thông minh”, câu tục ngữ muốn gửi gắm đến bài học dành cho con cháu đời sau. Cần cù thể hiện sự chăm chỉ, kiên nhẫn làm một công việc một cách thường xuyên và có kế hoạch bài bản, dù cho gặp bao nhiêu khó khăn cũng cố gắng hoàn thành công việc một cách chu đáo.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký dù bị bệnh và bị bại liệt cả hai tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình luyện viết chữ bằng hai chân và trở thành nhà giáo ưu tú, là người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết. Thomas Edison đã nói “thiên tài chỉ là 1%, còn 99% là mồ hôi và nước mắt”. Quả đúng vậy, trong cuộc sống để có được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào: học tập, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, giảng dạy,… con người cần phải có sự cố gắng, nỗ lực lao động rất nhiều. Người có tính chăm chỉ, cần cù mới có thể thành công trong cuộc sống.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, những câu chuyện thành công trên báo chí thường được viết chớp nhoáng, mang tính chất đưa tin hơn là kể chuyện. Nhưng những bài học của những người lãnh đạo, những doanh nhân thành công đều kinh qua rất nhiều những khó khăn, thăng trầm. Kiên trì làm việc, chăm chỉ học hỏi để trau dồi kiến thức, bổ sung tri thức, biết khiêm tốn với những thành quả của bản thân thì tương lai lúc nào cũng sẽ sáng lạng, thành công hơn hiện tại.
Aristotle cho rằng “Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục”. Ngay từ thời tiểu học và trung học, học sinh đều được học tập 5 điều Bác Hồ dạy, nên đã mang lại giá trị giáo dục tốt cho bao thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay so với các nước tiên tiến, xã hội ta vẫn còn tồn tại nhiều những điều đáng suy nghĩ về thế hệ trẻ với tư tưởng nóng vội, thiếu sự dẫn dắt về tư duy và kinh nghiệm, thiếu nhiệt huyết và sự dấn thân. Quay lại câu chuyện của Edison, khi được một nhà báo trẻ hỏi ông nghĩ gì về 10.000 lần thất bại, ông trả lời: “Bạn trẻ, tương lai của bạn mới bắt đầu nên tôi nói điều này để giúp bạn sau này, tôi không phải thất bại 10.000 lần mà tôi đã phát minh ra được 10.000 sáng chế không hoạt động”.
Không có nỗ lực nào uổng phí và không có người lao động chân chính nào không được nhận thành quả. Thành công hãy đo bằng tri thức và một nhân cách đẹp.
GS TRẦN VĂN NAM