Ấm lòng người dân vùng lũ

.

ĐNO - Xuân Quý Mão đang gõ cửa từng căn nhà, góc phố. Dù đã mấy tháng sau bão lũ, núi lở, nhà sập, hàng trăm ngôi mộ tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi..., người dân vẫn còn xúc động bởi hình ảnh các chiến sĩ, bộ đội bới đất, hất đá tìm mộ cho dân do lũ gây ra, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp nhân dân vượt qua đau thương, mất mát...

Cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS TP Đà Nẵng không quản khó khăn, tích cực đào xới tìm kiếm những ngôi mộ bị đất đá vùi lấp. Ảnh: LÊ TÂY
Cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng không quản khó khăn, tích cực đào xới tìm kiếm những ngôi mộ bị đất đá vùi lấp. Ảnh: LÊ TÂY

Chắc hẳn người dân phố biển Đà Nẵng còn nhớ trận mưa lớn kèm theo lũ quét lịch sử vừa qua đã gây ngập nghiêm trọng trên các tuyến phố và gây ra 6 điểm sạt lở lớn ảnh hưởng trực tiếp đến 610 ngôi mộ tại nghĩa trang Hòa Sơn. Trong số đó có mộ bị vùi lấp, có mộ bị cuốn trôi chưa xác định được dấu tích. Ước tính ban đầu, có hơn 15.700m3 đất đá bị sạt lở, phủ lấp diện tích khoảng 22.243m2.

Có mặt tại hiện trường ngay sau trận lũ đi qua, chúng tôi nhận thấy sự cố do thiên tai gây nên đã để lại nỗi đau đớn, xót xa đối với thân nhân của những người quá cố. Gần một tuần liền, phần mộ của gia tộc Đặng Văn bị vùi sâu trong bùn đất, nhờ bộ đội tích cực dọn dẹp đất đá, cây đổ nên những ngôi mộ dần dần phát lộ. Ông Đặng Văn Đức ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ (người đại diện gia tộc) bùi ngùi chia sẻ: “Gia đình tôi có nhiều người thân yên nghỉ tại nghĩa trang này. Sau lũ quét, hàng trăm ngôi mộ bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi. Trước cảnh tượng như vậy ai cũng xót xa, nhưng không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu, vì khối lượng đất đá sạt lở quá lớn. Nếu không có bộ đội lên đây hỗ trợ thì sức dân không làm nổi”.

Thẫn thờ đứng nhìn hố sâu vừa xuất lộ 2 nóc nấm mồ, cụ Nguyễn Thị Cúc (84 tuổi, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) quặn lòng kể đất đá chôn vùi, gây xáo trộn mộ phần 2 con trai của bà, trong đó người con thứ 2 vừa mất chưa được 1 năm. Giọng cụ Cúc xúc động, run run: “Từ hôm nghe tin đất đá sạt lở  vùi lấp mộ 2 con trai, ruột gan tôi đau xót lắm. Con cháu bỏ việc lên đây đào bới, kiếm tìm mộ cha, chú nhưng không thể vì đất đá sạt lở quá lớn. May có các chú bộ đội về đây giúp sức nếu không thì gia đình cũng đành bó tay. Mưa gió như vậy mà các chú bộ đội vẫn rất nhiệt tình, gắng sức giúp dân”.

Thấu hiểu nỗi đau của người dân, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5 là người có mặt tại hiện trường từ rất sớm. Choàng áo mưa, quần xăn đến gối, anh bước phăm phăm đến các bộ phận vừa để nắm tình hình, vừa động viên bộ đội và nhân dân. Anh cho biết, sau khi lãnh đạo thành phố yêu cầu, Bộ tư lệnh quân khu đã nhanh chóng hội ý và thống nhất điều động 600 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 315 khẩn trương cơ động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng để kịp thời phối hợp với  300 cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tích cực thu dọn đất đá, hỗ trợ người dân tìm kiếm, sửa chữa các phần mộ.

Để triển khai công việc, bộ đội phải dầm mưa, dãi nắng, cũng cơm nắm, lương khô ngay thực địa. Họ tranh thủ thời gian đào bới, nhặt nhạnh giữa những đống đổ nát tìm kiếm những ngôi mộ bị vùi lấp. Các lực lượng phải chia làm nhiều ca, có bộ phận thì tìm kiếm kỹ lưỡng trong từng hốc đá, mò mẫm từng viên gạch, vũng nước. Bộ phận khác thì chung sức khiêng từng hòn đá tảng về khu tập kết... Suốt cả tuần bám hiện trường chỉ huy các lực lượng giúp dân, Đại tá Nguyễn Dương Kiên, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 tâm sự với chúng tôi: “Phần mộ của ông bà, tổ tiên là một phần máu thịt, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống, tâm linh, tình cảm, suy nghĩ của người Việt Nam. Thế nên Ban chỉ huy sư đoàn luân phiên nhau động viên cán bộ chiến sĩ khắc phục khó khăn, gắng sức làm thật tốt, đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tiến độ”.

Theo Sư đoàn trưởng Nguyễn Dương Kiên, sau khi nhận mệnh lệnh từ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn chỉ thị các đơn vị tạm dừng công việc tại thao trường, tập trung lực lượng khắc phục sạt lở tại nghĩa trang. Các khu vực sạt lở có nhiều mộ phần nằm sát nhau nên không thể dùng phương tiện cơ giới, mà chỉ có thể dùng sức người. Tuy khối lượng công việc nhiều, điều kiện sinh hoạt, thời tiết mưa nắng thất thường nhưng cán bộ chiến sĩ đều dốc sức, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất.

Cho dù giữa nắng cháy, mưa tuôn nhưng các cán bộ chiến sĩ vẫn cần mẫn lật từng phiến đá, moi từng đống đất tìm kiếm những phần mộ bị bị vùi lấp, mất dấu. Nhẹ nhàng dùng tay bới đất sau khi cùng đồng đội di dời nhiều tảng đá lớn đè lên một mộ phần vô danh, binh nhì Võ Quốc Vỹ (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) cho biết người thân của Vỹ cũng yên nghỉ ở nghĩa trang Hòa Sơn, vì vậy khi hay tin sạt lở xảy ra, anh xung phong lên đây giúp dân. Trò chuyện với chúng tôi, Vỹ tâm sự: “Theo yêu cầu của Ban quản lý nghĩa trang và chỉ huy đơn vị, việc vận chuyển đất đá phải bằng tay, chỉ được sử dụng những dụng cụ thô sơ để đào bới, tìm kiếm những mộ phần bị vùi lấp. Thế nên chúng tôi nhắc nhở nhau phải thật nhẹ nhàng trong mỗi bước đi, vì biết đâu bên dưới ngổn ngang đất đá là hài cốt của những người đã khuất!”.

Chìa đôi bàn tay rộp phồng, bám đầy bùn đất, Binh nhất Nguyễn Văn Thanh, chiến sĩ Tiểu đội Đại liên (Đại đội 11, Tiểu đoàn 3) giãi bày: “Nhiều khu vực, các phần mộ nằm san sát, liền kề, máy xúc, máy đào, xe cải tiến không thể cơ động, tiếp cận được, nên bộ đội phải làm việc tay chân là chủ yếu. Với những tảng đá cỡ vừa, chúng tôi sẽ hợp lực vần ra các khoảng đất trống, dùng xà beng, búa tạ đập nhỏ, để mọi người khiêng, vác, đưa ra khu vực tập kết. Còn những tảng đá to, chúng tôi phải dùng máy khoan chuyên dụng mới có thể xử lý được”.

Trao đổi với Đại tá Huỳnh Thanh Minh, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết, để khắc phục được 6 điểm sạt lở tại nghĩa trang có thể sẽ phải phải mất rất nhiều thời gian vì khối lượng đất đá sạt lở vùi lấp rất lớn. Mặt khác, địa hình tại nghĩa trang không cho phép các phương tiện cơ giới hoạt động dễ dàng. Hầu hết các thao tác bới đất, lật đá được các chiến sĩ thực hiện bằng tay. Nhiều ngôi mộ bị vùi sâu dưới lớp đất đá nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, các chiến sĩ phải dùng tay bới đất, bốc dỡ từng viên gạch. Tất cả đều thực hiện hết sức cẩn trọng, tỷ mỷ”.

Giữa mùi hương trầm lan tỏa, ngày qua ngày, ngay từ sáng, dù trời trời đổ mưa, hay nắng gắt, thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Quân khu 5 vẫn miệt mài đào, xới những lớp đất, đá để kiếm tìm những ngôi mộ bị vùi lấp. Những việc làm trách nhiệm, kịp thời, trọn tình, vẹn nghĩa của bộ đội Khu 5 được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, trân quý và đánh giá cao. Không chỉ sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong những ngày cuối năm Nhâm Dần, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Quân khu 5 lại hành quân lên các bản làng biên giới, hay  ra tận hải đảo xa xôi chúc tết, thăm hỏi, tặng quà; bàn giao nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo...

Xuân Quý Mão đang hối hả tràn về. Tết này, vùng sâu, vùng xa thêm ấm nồng bởi trong nồi cơm đầy có hạt gạo của bộ đội Cụ Hồ. Người già, con trẻ đã có manh áo, tấm quần bộ đội tặng để góp phần sưởi ấm giá lạnh. Quà xuân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 dành cho nhân dân tuy giản dị và đơn sơ vậy thôi, nhưng đó là tất cả tấm lòng nhân ái, tình thương yêu đối với đồng bào. 

Những việc làm bình dị của đồng đội tôi đã góp phần phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Bộ đội  “của dân, do dân và vì dân”. Những việc làm thiết thực, sâu nặng nghĩa tình ấy xuất phát từ tấm lòng chân thành của người chiến sĩ với ước mong lo cho dân mùa xuân ấm…

PHAN TIẾN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
.