Chính trị - Xã hội
Giúp người yếu thế có cái Tết đủ đầy
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội lại được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố quan tâm, hỗ trợ. Những món quà ý nghĩa, thiết thực được trao tặng trước thềm năm mới giúp người yếu thế có thêm điều kiện đón một cái Tết đầm ấm, vui tươi và đủ đầy.
Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh (bên phải) trao quà Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân yêu thương” năm 2023. Ảnh: X.D |
Mang Tết đến trẻ em nghèo
“Hôm nay, chúng tôi bán được một ít trái cây và nấm, gây quỹ được hơn 600.000 đồng cho mô hình “Mẹ đỡ đầu”. Vậy là thêm được một ít lo cho các con”, chị Trần Thị Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) hồ hởi nói. Đây là hoạt động thường xuyên của hội vào ngày 14 và ngày 30 âm lịch hằng tháng để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi trên địa bàn.
Ngoài trái cây, nấm, phụ nữ phường còn thu mua rau của bà con sản xuất trên địa bàn, tiền lời bán được dùng để hỗ trợ và nuôi các con. Từ đầu năm đến nay, các chị đã hỗ trợ hơn 17 triệu đồng cho 14 “con nuôi đỡ đầu”. “Dịp Tết Nguyên đán này, chúng tôi hỗ trợ cho các con một phần quà và cả phong bao lì xì để các con có cái Tết đầm ấm, vui vẻ hơn”, chị Hiếu cho biết.
Theo ghi nhận, các hội, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật… trên địa bàn thành phố cũng có kế hoạch chăm lo chu đáo cho các em dịp Tết Nguyên đán này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố, hội có hai trung tâm đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi gồm Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) gồm 39 em; Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Đà Nẵng (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) gồm 5 em nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Đến dịp Tết, các em tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai được bà con, người thân đón về đoàn viên; nếu có trường hợp nào ở lại, trung tâm bố trí người chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, hội kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay lo cho các em một cái Tết đầy đủ, góp phần xoa dịu những mất mát, thiệt thòi mà các em chẳng may gặp phải.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cho hay, toàn thành phố có hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, có 110 em đang nuôi dưỡng bán trú, sinh hoạt, học tập tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. Ngoài mức hỗ trợ của thành phố, hội còn kêu gọi, kết nối các cá nhân, các tổ chức thăm hỏi, tặng quà; tổ chức các hoạt động giao lưu hát múa, vui chơi với các em tại trung tâm để động viên các em.
Trung tâm Từ thiện trên đường Thanh Huy 2, quận Thanh Khê (thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố) hiện đang cưu mang, đùm bọc nhiều học sinh, sinh viên (đa số quê ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với sự tài trợ của Tổ chức Trả lại tuổi thơ (Hoa Kỳ).
Tại đây, các em được chăm lo về mọi mặt dinh dưỡng, y tế, giáo dục, kỹ năng sống… Hằng năm, hội và ban giám đốc trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em nhân ngày lễ, Tết. Dịp Tết Nguyên đán, trước khi các em về sum họp với gia đình, trung tâm tổ chức một số hoạt động liên hoan, chia tay; một số em sinh viên dự kiến trở lại trung tâm sớm để chuẩn bị cho việc thi cử sau Tết sẽ được trung tâm bố trí ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thu Hương (bìa phải) trao quà Tết cho người nghèo quận Hải Châu. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Quan tâm hỗ trợ người neo đơn
Sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố gần 20 năm nay, ông Nguyễn Thành Sanh (SN 1952) chia sẻ, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng luôn được cán bộ, nhân viên trung tâm thực hiện chu đáo; dịp Tết được các cơ quan, đoàn thể tới thăm, tặng quà mang lại cảm giác ấm áp cho những người có hoàn cảnh neo đơn.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Tường Vy (là phụ nữ đơn thân, hộ nghèo, đang nuôi 2 con nhỏ, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà), cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình chị luôn được nhận quà trước thềm năm mới, trong nhà có đủ bánh chưng, giò chả, bánh kẹo...
“Những món quà Tết có thể chỉ là lương thực, nhu yếu phẩm, giá trị không quá nhiều nhưng lại chứa đựng tình cảm, ý nghĩa tinh thần rất lớn. Khi cầm những món quà, tôi cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của các cấp, ngành đối với gia đình mình. Đồng thời, cảm thấy rất ấm áp, được an ủi và tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, chị Vy bày tỏ.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Nguyễn Thị Tố Uyên cho biết, đến nay, tổng số đối tượng mà trung tâm quản lý là 178 người, trong đó có 84 nữ; số lượng người cao tuổi, người khuyết tật không tự phục vụ được chiếm 70%; có 15 trẻ em, trong đó có 9 em khuyết tật đặc biệt nặng, 4 em dưới 6 tuổi và 2 em trong độ tuổi đi học. Vào các dịp lễ, nhất là Tết cổ truyền, trung tâm có kế hoạch, xây dựng thực đơn phục vụ ăn uống, tổ chức đón giao thừa, văn nghệ, trò chơi dân gian, xem phim… cho các đối tượng được vui vẻ trong không khí đầm ấm, đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, vào các dịp lễ, Tết, thành phố và các đơn vị, địa phương, hội đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động thăm, tặng quà trong năm để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đón mùa xuân ấm áp, yêu thương. Đơn cử, từ nhiều năm nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố duy trì tổ chức ngày hội “Bánh chưng xanh - Phiên chợ Tết không đồng” để hỗ trợ quà và bánh chưng Tết cho người nghèo, nhất là chị em phụ nữ đơn thân.
Dịp Tết này, Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng và Hội LHPN thành phố phối hợp thực hiện “Hội chợ Tết nhân ái” nhằm hưởng ứng phong trào Tết nhân ái Xuân Quý Mão 2023. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng Lê Thị Như Hồng cho biết, hội chợ có khoảng 50 gian hàng hỗ trợ miễn phí lương thực, nhu yếu phẩm và bán sản phẩm Tết trợ giá cho hơn 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, dễ bị tổn thương.
NGỌC HÀ - THIÊN DUYÊN