Chính trị - Xã hội
Quyết tâm xây dựng "Thành phố môi trường"
Sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2022), cùng với xây dựng, phát triển mở rộng không gian đô thị, chăm lo đời sống nhân dân, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp xây dựng thành phố môi trường, thành phố xanh và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Học sinh THCS tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”. Ảnh: P.V |
Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh về kết quả xây dựng thành phố môi trường và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
* Thưa ông, hiện nay, thành phố Đà Nẵng khá ấn tượng với bạn bè trong nước và quốc tế không chỉ vì an ninh tốt mà còn là môi trường sạch, đẹp. Đảng bộ, chính quyền thành phố đã làm gì để có những kết quả như ngày hôm nay?
- 25 năm qua, cùng với phát triển kinh tế, mở rộng không gian đô thị, các chính sách an sinh xã hội nhân văn, thành phố luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ngày 21-8-2008, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố ban hành Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư nhằm đưa đề án đi vào cuộc sống, quyết tâm để người dân thụ hưởng một môi trường thực sự trong lành.
Sau 14 năm, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, 13/15 điểm về môi trường được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế; chỉ số ô nhiễm không khí (AP) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 10; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,8%, nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 61%, nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95%; diện tích không gian xanh đô thị bình quân đạt trên 6 - 8m2/người...
Thành phố đã thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn, thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác theo giờ, giảm việc đặt thùng rác trên đường phố chính, tạo mỹ quan sạch, đẹp. Đặc biệt, các cấp, ngành chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong công tác bảo vệ môi trường, trở thành phong trào rộng khắp trên toàn thành phố.
Qua đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí của đề án đã góp phần xây dựng Đà Nẵng với những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường cơ bản tốt. Đà Nẵng đạt nhiều giải thưởng danh giá liên quan đến môi trường như: Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của ASEAN (năm 2011); Đô thị có không khí sạch và có hàm lượng carbon phát thải thấp của châu Á (năm 2012); thành phố phong cảnh châu Á (năm 2013); Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, thành phố xuất sắc trong chuyển đổi (năm 2015); Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam (năm 2018)...
* Có được kết quả này, các cấp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã tổ chức nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào về các mô hình, sáng kiến đó?
- Phải khẳng định rằng, trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp, ngành, địa phương đã rất sáng tạo, có nhiều phong trào hay, mô hình sáng tạo đem lại hiệu quả cao. Nổi bật là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”. Phong trào này triển khai trước khi thành phố ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, là một trong những nhiệm vụ được yêu cầu triển khai có hiệu quả. Mục tiêu kêu gọi sự tham gia của người dân chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương tạo bộ mặt thành phố thay đổi, trở nên “xanh-sạch-đẹp” hơn. Đến nay, phong trào này đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân thành phố.
Để duy trì phong trào, phát huy vai trò cộng đồng, UBND thành phố ban hành Quyết định số 8460/QĐ-UBND ngày 21-11-2014 về Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua thực hiện phong trào, theo đó, mỗi năm, UBND thành phố đều tổ chức khen thưởng, động viên phong trào. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành hơn 40 mô hình bảo vệ môi trường, cùng với hàng trăm câu lạc bộ bảo vệ môi trường khác. Các mô hình phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường ở các cấp, ngành và cơ sở như: Mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu; “Mái nhà xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; “Xây dựng phong trào doanh nghiệp “xanh - sạch - đẹp” của Liên đoàn Lao động thành phố…
Trong các mô hình, phải khẳng định mô hình “Trường học xanh” của Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát huy hiệu quả nhiều năm nay tạo ra các mô hình nhỏ hữu ích như: “Đoạn đường em chăm”, “Vườn hoa em trồng”, “Tiếng trống môi trường”. Hiện nay, 100% trường học có cây xanh, mỹ quan bảo đảm, cảnh quan trường, lớp sạch sẽ. Qua xét chọn theo bộ tiêu chuẩn được UBND thành phố ban hành vào năm 2014, đến nay, nhiều trường đã được xét chọn “Trường học xanh”.
* Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” trong giai đoạn tới, Đà Nẵng cần làm gì, thưa ông?
- Nhìn lại chặng đường thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đồng bộ, thiếu tính dự báo, chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố. Nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh ô nhiễm luôn hiện hữu…
Để tiếp tục xây dựng thành phố môi trường trong giai đoạn tới bền vững, UBND thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu trong từng giai đoạn và đưa ra các giải pháp trọng tâm, cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, chú trọng nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường trong công tác quản lý đô thị; thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề, khu vực dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu theo quy định; kiểm soát các vấn đề môi trường, ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…
Thành phố sẽ rà soát, đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải tại các khu, cụm công nghiệp; kiểm soát môi trường biển, biển ven bờ; đẩy mạnh kiểm soát các nguồn thải, bảo vệ môi trường nước mặt (sông, hồ, đầm) và lưu vực sông liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; tổ chức rà soát, cập nhật, thúc đẩy đầu tư và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; thúc đẩy tái chế, xử lý đồng bộ sau khi phân loại; xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.
Đặc biệt, duy trì các hoạt động hưởng ứng phong trào, mô hình bảo vệ môi trường trong toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, như: ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...; triển khai huy động, kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ môi trường, trong đó nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2026-2030, xây dựng, triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, các giải pháp có mức phát thải carbon thấp; khuyến khích áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hướng tới thành phố sinh thái; tăng cường nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường...
Tôi mong muốn người dân thành phố tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, đồng lòng, chung sức trong công cuộc bảo vệ môi trường; kiên quyết phê phán những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, không vì “lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, tiếp tục đầu tư công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư tốt hệ thống xử lý nước thải; không đổ chất thải nguy hại, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường cho thành phố.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, Đà Nẵng sẽ là đô thị xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
* Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
NGỌC PHÚ thực hiện