Chính trị - Xã hội

Cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

09:20, 21/02/2023 (GMT+7)

Trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh 1 lần vào giữa năm 2020 theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2-6-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng với đối tượng nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Có nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân trên đã không còn phù hợp với biến động liên tục của thị trường, tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước thu được là 166.733 tỷ đồng (dự toán là 118.075 tỷ đồng), tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và đạt 138% dự toán, tức vượt thu 48.658 tỷ đồng. Trong đó, người làm công ăn lương đóng góp đến 70% nguồn thu thuế thu nhập cá nhân và nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 10% tổng thu cân đối ngân sách, chỉ xếp sau thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Tại Đà Nẵng, số thuế thu nhập cá nhân năm 2022 đạt 2.460 tỷ đồng (dự toán là 1.500 tỷ đồng), tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 164% dự toán, chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách Nhà nước. Có thể thấy, nguồn thu thuế thu nhập cá nhân cao và vượt dự toán lớn, trong khi đó, đời sống của người nộp thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ths.Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Văn phòng Luật sư PHONG & PARTNERS cho rằng, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh chung cho tất cả các vùng miền là không phù hợp, bởi một thực tế ai cũng nhận ra là mức chi tiêu giữa nông thôn và thành thị, giữa thành phố nhỏ và thành phố lớn chênh lệch nhiều. Do vậy, Chính phủ cần xem xét, đánh giá và nghiên cứu để quy định mức giảm trừ gia cảnh theo khu vực. Bên cạnh đó, việc đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới tăng mức giảm trừ gia cảnh là thiếu khoa học và thực tế. Nếu cứng nhắc theo cách này thì việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ chậm và thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu của người dân và tốc độ tăng lương tối thiểu. Do vậy, cần nghiên cứu nghiêm túc để có quy định cụ thể về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, ngoài theo chỉ số CPI, còn phải theo mức chi tiêu của người dân và mức lương tối thiểu vùng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán - Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA Việt Nam phân tích, thuế thu nhập cá nhân từ nguồn tiền lương, tiền công trong những năm gần đây chiếm đến 70% tổng số thuế thu nhập cá nhân thu được. Đây là nhóm có thu nhập được quản lý một cách rõ ràng, trong khi đó còn nhiều nhóm thu nhập chưa được quản lý chặt chẽ như thu nhập từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh trực tuyến qua mạng.... Do đó, cần có các biện pháp quản lý phù hợp để vừa bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa bảo đảm tính công bằng xã hội đối với những người có thu nhập. Bên cạnh đó, cần thay đổi theo hướng thu hẹp số lượng bậc tính thuế từ 7 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc kê khai, tính thuế, dễ dàng hơn trong công tác quản lý, thu thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân của nhiều nước trên thế giới; đồng thời cần có lộ trình tăng mức lương cơ sở hợp lý cho người lao động.

Về bản chất, thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội. Cụ thể là điều tiết từ những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng có thu nhập thấp hơn, góp phần quan trọng trong việc tăng các chế độ phúc lợi xã hội… Chính vì vậy, việc thay đổi mức thu thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt chính sách, cũng như tác động của nó đến các đối tượng nộp thuế và nguồn thu của Nhà nước.

MAI QUẾ

.