Chính trị - Xã hội

Cần sửa đổi đối tượng hộ gia đình sử dụng đất và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

09:06, 24/02/2023 (GMT+7)

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất và quy định rõ các nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai cũng như đề xuất chuyển thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sang cho tòa án nhân dân.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức chiều 22-2, đại diện các cấp hội phụ nữ, luật sư, người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp đã thảo luận và đề xuất cần quy định rõ các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, bởi hiện có nhiều người gặp khó khăn, vướng mắc, khi chỉ cần một người phát đơn kiện là nhiều việc phải dừng lại.

Chẳng hạn như: mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), xây dựng nhà ở... đều phải dừng lại để giải quyết tranh chấp, trong đó có những sự việc rất nhỏ, không đáng kể và không đúng. Do đó, cần quy định rõ các tiêu chí để xác định việc tranh chấp đất đai nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người sử dụng đất cũng như quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xác định sự việc đó là tranh chấp đất đai. Đồng thời, quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho tòa án nhân dân để giải quyết, UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án giải quyết.

Đại diện các cấp hội phụ nữ và luật sư đề xuất, trong sổ hồng cần nêu cụ thể tên người liên quan, không ghi tên chủ hộ gia đình và bổ sung thêm các thông tin cần thiết khác, nhất là tài sản để thuận lợi cho người sử dụng khi thực hiện các thủ tục, đặc biệt là thông tin về thời gian hình thành tài sản trước hoặc trong hôn nhân để bảo đảm quyền lợi cho nữ giới. Đối với quyết định thu hồi đất khi Nhà nước thực hiện các công trình phục vụ mục đích quốc gia, công cộng, cần bổ sung thêm thời hạn thi hành quyết định để tránh kéo dài thời gian thực hiện, gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Bên cạnh đó cần nêu rõ, cụ thể các tiêu chí đối với nguyên tắc bố trí nơi tái định cư tốt hơn hoặc bằng nơi cũ... để làm căn cứ xác định và có thể định lượng “tốt hơn hoặc bằng”...

Những vấn đề nói trên cũng được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND quận Sơn Trà tổ chức vào chiều 23-2. Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh Thanh tra quận Sơn Trà đề nghị: “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cần chuyển sang cho tòa án nhân dân để giải quyết. Nhiều trường hợp UBND các cấp giải quyết tranh chấp đất đai, mà công dân hoặc tổ chức không đồng tình với giải quyết đó, tiếp tục khởi kiện hành chính UBND các cấp ra tòa án, làm khó khăn cho tòa án hành chính. Do vậy, cần chuyển tranh chấp đất đai sang tòa án nhân dân các cấp”.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận Sơn Trà cho rằng, đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì khi cấp sổ hồng cần quy định bắt buộc trong sổ hồng phải ghi cả họ, tên vợ và chồng để giúp cho việc bảo đảm quyền lợi của cả 2 bên khi có tranh chấp xảy ra. Việc này dễ dàng xác định tài sản đăng ký quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng là tài sản chung của vợ chồng mà không cần mất thời gian xác minh việc vợ chồng có thỏa thuận hay không có thỏa thuận khi đứng tên một mình trong sổ hồng.

“Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết được vướng mắc hiện nay đối với các trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện, nhưng không được cấp sổ hồng do chưa thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất. Nếu giữ nguyên quy định này, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, nhiều trường hợp đã có quyết định thu hồi đất hơn 3 năm mà chưa thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất, sẽ được cấp sổ hồng”, ông Phạm Văn Nam nói.

HOÀNG HIỆP

.