Chính trị - Xã hội
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai cho Đà Nẵng
ĐNO - Ngày 28-2, trong khuôn khổ hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính chủ trì 4 phiên thảo luận về 4 chuyên đề liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng (giữa) đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính và dữ liệu, thông tin đất đai. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho rằng, Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc là các dự án có quy mô nhỏ hơn 5ha thì không phải làm quy hoạch chi tiết 1/500, cần có bản vẽ mặt bằng trong hồ sơ đấu giá đất để đưa các chỉ tiêu kiến trúc, hệ số sử dụng đất... để cơ sở pháp lý đấu giá đất.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì vẫn còn quy định là phải có quy hoạch chi tiết 1/500.
“Mục tiêu là chúng ta làm quy hoạch để đưa ra được giá đất để đấu giá. Thành phố cho rằng, việc hạn chế làm giá đất cụ thể, nhất là trong lĩnh vực đấu giá đất vì quá mất thời gian cho việc làm giá đất cụ thể, nhưng thực tế khi đấu giá thì giá trúng đấu giá là khác.
Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, không cần quy định có quy hoạch chi tiết 1/500 khi đấu giá đất”, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam đề nghị.
“Trong Luật Đất đai cần có nội dung về lấn biển để thể chế hóa, làm cơ sở pháp lý cho lấn biển. Nếu làm được điều này thì Đà Nẵng phát triển kinh tế biển mạnh mẽ. Dự án Khu đô thị Đa Phước nếu đi vào hoạt động thì mỗi năm thu được khoảng 100 tỷ đồng, nhưng lại không hoạt động 10 năm nay nên rất lãng phí nguồn lực.
Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần quy định cụ thể hơn vấn đề lấn biển cùng các vấn đề liên quan để tháo gỡ các vướng mắc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (giữa) đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề cơ chế, chính sách tài chính và giá đất và phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai tính kế thừa, thống nhất về việc phân loại đất trên cơ sở quy định của các pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật về quy hoạch đô thị.
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định phân loại đất đối với các trường hợp sử dụng hỗn hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất và thuận tiện trong việc quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng bổ sung đối tượng cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở thì được sử dụng đất theo pháp luật về đất đai; bổ sung danh mục dự án được thu hồi đất đối với dự án khu đô thị (thay cho cụm từ “khu đô thị mới”), dự án tái thiết đô thị, dự án nhà ở thương mại.
Ông Phùng Phú Phong cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng làm rõ nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay được chuyển mục đích sử dụng đất và trực tiếp thực hiện dự án mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (giữa) phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tại các phiên thảo luận, có một số ý kiến cho rằng, Đà Nẵng hiện có những dự án thương mại dịch vụ mang tính chất đặc thù (như dự án về condotel, dự án du lịch biển…), dự án cần đầu tư nguồn vốn đầu tư lớn (dự án phức hợp: khách sạn, trung tâm thương mại, tài chính …), các nhà đầu tư đều mong muốn được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê vì khi trả tiền hằng năm nhà đầu tư phải đóng tiền thuê đất theo những biến động về giá đất nên việc tính toán chi phí giá trị đầu tư là rất khó khăn.
Đồng thời, quyền sử dụng đất sẽ bị hạn chế khi chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất, không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị cho nhà đầu tư được trả tiền một liền cho cả thời gian thuê.
Đại diện một số đơn vị, địa phương đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “không gian ngầm và khoảng không” để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự người sử dụng đất được sử dụng không gian bên trên và lòng đất bên dưới theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của khu đất.
Đề nghị định nghĩa rõ cụm từ “đất không có tranh chấp” và bày tỏ băn khoăn về quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng giao dịch bất động sản đối với một bên là doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, không bảo đảm an toàn pháp lý và không hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân...
HOÀNG HIỆP - CHIẾN THẮNG