Chính trị - Xã hội
Điểm sáng trong phong trào phụ nữ cơ sở
Năm 2017 đến nay, Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành (xã Hòa Phong, huyện Hoà Vang) luôn được các cấp đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, 5 năm liên tiếp là đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào của xã. Với đặc thù là địa bàn nông thôn, chi hội đã sáng tạo, phát huy lợi thế nông nghiệp để triển khai hiệu quả các mô hình hoạt động, cải thiện kinh tế cho hội viên, đưa phong trào toàn thôn ngày càng phát triển.
Bảo đảm an sinh xã hội địa phương
Thôn Nam Thành có 204 hộ với 821 nhân khẩu, đời sống kinh tế còn khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp. Dù thôn chỉ có 154 phụ nữ trên 18 tuổi, song đã có 146 chị em tham gia chi hội phụ nữ; tỷ lệ tham gia hội họp, hoạt động luôn trên 85%. Điều này cho thấy, chi hội này thực hiện rất tốt công tác vận động, tập hợp hội viên, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, năng động, nhiệt tình của tất cả chị em trong chi hội.
Chị Thái Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành cho biết, đa số chị em đều là nông dân nên phẩm chất cần cù, chịu khó, không ngại vất vả. Bất kể phong trào nào chi hội triển khai, chị em đều nhiệt tình, năng nổ tham gia. Trong năm qua, chi hội không có gia đình hội viên sinh con thứ 3, vi phạm pháp luật, trẻ em bỏ học, nghiện ma túy, cờ bạc, số đề…
Nhân các ngày lễ lớn, chi hội tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo sân chơi, giao lưu, thu hút đông đảo chị em tham gia như: tổ chức giao lưu bóng chuyền, bóng đá; hội thi đồng diễn dân vũ hội, văn nghệ; hũ gạo tình thương; thu gom phế liệu gây quỹ “Ươm mầm trạng nguyên”…
“Các hoạt động trên đã gây quỹ cho chi hội gần 100 triệu đồng/năm. Qua đó, tặng quà cho các em con hộ nghèo vượt khó, trao sinh kế cho phụ nữ nghèo, khó khăn, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội của địa phương”, chị Vân nói.
Phát huy đặc thù địa bàn, chi hội đã vận động hội viên tham gia phát hoang khu đất trống 1.000m2 để cải tạo, trồng măng tre, điền trúc gây quỹ với số tiền 8 triệu đồng/năm; gieo sạ gần 2.000m2 đất ruộng, mỗi năm bán được 1,6 tấn lúa, gây quỹ cho chi hội khoảng 10 triệu đồng/năm.
Theo chị Nguyễn Thị Diệu, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nam Thành, nghề nghiệp chính của chị là trồng măng tre, điền trúc. Do vậy, khi chi hội phát động mô hình trồng măng để gây quỹ, chị tham gia hưởng ứng, hỗ trợ giống và phương pháp chăm sóc.
Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, chị cũng tích cực tham gian chăm sóc ruộng lúa của chi hội, dọn vệ sinh môi trường và thu gom rác thải gây quỹ. “Ruộng lúa này bỏ hoang, được xã hỗ trợ cày xới, con giống nên chị em rất phấn khởi tăng gia sản xuất, tạo thêm nguồn quỹ cho chi hội.
Nguồn quỹ này được chi hội chi cho công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng nên chị em đều hào hứng tham gia, góp một chút sức lực của mình để xã hội tốt đẹp hơn”, chị Diệu chia sẻ.
Cải thiện đời sống, kinh tế cho chị em
Trong hoạt động giúp chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, chi hội đã xây dựng mô hình tổ phụ nữ làm keo lá tràm với 15 chị tham gia, tạo ra thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng/chị. Đồng thời, giúp đỡ 1 chị khởi nghiệp mô hình chăn nuôi heo, hỗ trợ vay tín chấp ngân hàng 50 triệu đồng để nuôi khoảng 40 con heo.
Từ đó, những gia đình này thoát nghèo, tạo ra thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng, các con được ăn học đủ đầy. Năm qua, chi hội nhận đỡ đầu cho một cháu mồ côi cha, gia đình thuộc hộ nghèo với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.
Chị Bùi Thị Hân (trú thôn Nam Thành, mẹ cháu bé được đỡ đầu) cho biết, gia đình chị có 2 con, trong đó con lớn bước vào năm nhất đại học, con nhỏ mới 2 tuổi nên tốn rất nhiều chi phí. Trong khi đó, chồng không may mất sớm, gia đình rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
“Được sự quan tâm, hỗ trợ của chi hội phụ nữ, chính quyền địa phương, gia đình tôi rất xúc động. Nguồn hỗ trợ này là không chỉ góp phần giúp gia đình tôi vơi bớt nhọc nhằn, mà còn là niềm động viên tôi và các con cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên cải thiện cuộc sống”, chị Hân bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong Nguyễn Thị Thương, tuy là thôn sống thuần nông nghiệp, song phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của phụ nữ Nam Thành được triển khai sôi động, đa dạng, 5 năm liền được UBND huyện công nhận là thôn văn hóa. Đặc biệt, chi hội làm tốt công tác phối kết hợp, thực hiện các phong trào của địa phương. Các mô hình, phần việc xã giao, chi hội đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu.
XUÂN DŨNG