Chính trị - Xã hội
Bài 1: Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế thông qua khả năng tạo việc làm
ĐNO - Hiện nay, trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, kinh tế, tài chính toàn cầu biến động phức tạp khó lường thì nâng cao năng lực chống chịu, tính tự chủ của nền kinh tế là cần thiết nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Một khi xảy ra các cú sốc an ninh phi truyền thống, số lượng việc làm chính thức sẽ gia tăng khả năng được bảo vệ của người lao động trước các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Hoạt động giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức. |
Khả năng tạo việc làm hiện nay (mà đặc biệt là việc làm chính thức) của nền kinh tế địa phương để giải quyết nhu cầu của lao động tại chỗ cũng như thu hút nguồn nhân lực có chất lượng từ các tỉnh/thành khác vẫn còn nhiều hạn chế. Với đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và hoạt động dưới dạng “doanh nghiệp gia đình”, số lượng việc làm chính thức được tạo ra trong mối quan hệ so sánh với số lượng doanh nghiệp là khá thấp.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản thu hẹp mạnh; do đó, tồn tại một nguồn cung lao động lớn chưa qua đào tạo buộc phải dịch chuyển từ khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản vào khu vực Công nghiệp – Xây dựng và Dịch vụ. Giải quyết sinh kế cho lực lượng lao động này trở thành mối quan tâm lớn của chính quyền thành phố trong nhiều năm qua.
Cục Thống kê Đà Nẵng tại cuộc họp báo ngày 29-12-2021 công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố năm 2021, giai đoạn 2011-2020, trung bình mỗi năm Đà Nẵng có khoảng gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố có khoảng 20.000 đến 25.000 lao động nhập cư và người dân địa phương đến tuổi lao động mỗi năm (cả nước 1,3 triệu đến 1,5 triệu người).
Trong khi đó, nền kinh tế thành phố chỉ có khả năng tạo ra bình quân mỗi năm hơn 14.000 việc làm trong giai đoạn này. Tỷ lệ lao động thất nghiệp trung bình Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2020) là khoảng 4,5%/năm (tỷ lệ trung bình của cả nước là hơn 3%/năm). Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng đạt mức 8,76% (cao gấp 2,5% tỷ lệ trung bình của cả nước).
Lao động có kỹ năng là tiền đề quan trọng để Đà Nẵng có thể nâng cao khả năng thu hút những nhà đầu tư lớn và nhờ đó, gia tăng khả năng tạo ra việc làm cho nền kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp của Đà Nẵng cao nhất, nhì cả nước (cao nhất vào năm 2010 và đứng thứ hai toàn quốc vào năm 2020). Năm 2020, tỷ lệ này đạt hơn 47,0%, chỉ sau Hà Nội (đạt 48,5%) và cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh (đạt 38,7%). Trong đó, lao động có trình độ “Sơ cấp” chiếm tỷ trọng là 5,8%, “Trung học chuyên nghiệp” chiếm tỷ trọng là 7,4%, “Cao đẳng” chiếm tỷ trọng là 5,3% và “Đại học trở lên” chiếm tỷ trọng là 28,5%.
Tuy nhiên, còn tồn tại sự bất cân đối lớn trong cơ cấu lao động có việc làm đã qua đào tạo của Đà Nẵng, dẫn đến không phát huy được lợi thế của nguồn nhân lực để thu hút các nhà đầu tư. Sự khan hiếm của lao động bậc trung/sơ cấp có tay nghề cao hoặc khả năng làm việc tốt trong khi dư thừa lao động được đào tạo ở bậc cao đang là khó khăn nổi bật đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn. Sự mất cân đối này đã dẫn đến một thực tế là trong khi tồn tại số lượng lớn các lao động đã qua đào tạo thất nghiệp thì các doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động phù hợp.
Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường lao động đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Theo đó, thành phố phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% vào năm 2025 và đạt 78% vào năm 2030. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 61% vào năm 2025 và đạt 64% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 4% và đến năm 2030 dưới 3%. Thành phố phấn đấu hạ tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức không quá 3% vào năm 2025 và tiếp tục duy trì đến năm 2030 (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.000 - 35.000 lao động), tạo việc làm mới cho 25.000 - 27.000 lao động; giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 5%.
Thành phố Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% năm 2030, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm ít nhất 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và chiếm 5% lực lượng lao động vào năm 2030. Kế hoạch cũng đã đưa ra các giải pháp tiếp tục đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin.
Đặc biệt, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 có 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp; lao động được hệ thống Trung tâm Dịch vụ Việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm đạt trên 40% vào năm 2025 và năm 2030 đạt trên 45%. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc ứng dụng các phần mềm, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động.
Tuy nhiên, như phân tích ở trên, khả năng tạo ra việc làm của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động đào tạo. Do đó, để nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các rủi ro, cú sốc an ninh phi truyền thống như biến đổi khí khậu, đại dịch bệnh,… cải cách hoạt động giáo dục đào tạo theo hướng đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tiễn của xã hội là quan trọng đối với Đà Nẵng hiện nay.
P. MINH – T. CAM