ĐNO - Tháng 9-2022, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển nguồn nhân lực và gắn với việc giải quyết nhu cầu về việc làm của người lao động.
Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. |
Mục tiêu cơ bản của kế hoạch này là đến năm 2030, tập trung nâng cao chất luợng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc gia; trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 64%.
Đồng thời thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thông giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao; Đà Nẵng trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đào tạo nghề ở thành phố Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với các hệ đào tạo khác, chưa đáp ứng về số và chất lượng, cơ cấu ngành nghề cho phát triển kinh tế - xã hội. Đào tạo nghề cho các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ còn ít.
Nguyên nhân bởi tâm lý của người dân còn cho rằng phải có bằng đại học mới “bằng bạn bằng bè”. Trong khi công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT còn nhiều bất cập. Việc làm, tiền lương, điều kiện và môi trường làm việc, đời sống người lao động sau học nghề còn khó khăn nên ít người đi học nghề dẫn đến quy mô đào tạo nghề thấp, mất cân đối trong đào tạo nhân lực.
Một thực tế là chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Đồng thời, việc quản lý nhà nước về đào tạo nghề vẫn còn một số chồng chéo, bất cập….
Để phát triển đào tạo nghề hiệu quả, trước hết cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền, không ngừng nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, quan điểm, nhìn nhận về vị trí, vai trò của đội ngũ lao động qua đào tạo nghề.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề, cần tổ chức nhiều hơn những sự kiện bề nổi để tuyên truyền như chọn 1 ngày ý nghĩa trong năm, định kỳ tổ chức hoặc đăng cai tổ chức các cuộc thi tay nghề giỏi toàn quốc và thế giới, thường xuyên tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp gắn với hoạt động chợ việc làm định kỳ của thành phố, tổ chức các triển lãm quốc tế về thiết bị, máy móc đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức thi tay nghề giỏi.
Bên cạnh đó, cần tạo nhiều mô hình mới về hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông trong trường học, tổ chức cho các em học sinh đi thăm quan nhiều dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại trong các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp… Điều này sẽ góp phần phân luồng đi học nghề.
Thành phố cần tăng số lượng cơ sở đào tạo nghề để tăng quy mô. Đồng thời hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đủ điều kiện có thể đăng ký thêm hoạt động đào tạo nghề, góp phần tăng nhanh quy mô đào tạo nghề. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại thành phố đều cần phải có phương án đào tạo trong dự án đầu tư và được khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo nghề trực thuộc doanh nghiệp.
Thành phố nên đẩy mạnh việc đào tạo “kép”, tức là cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cùng lựa chọn người học, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo theo hình thức đào tạo tại cơ sở dạy nghề và thực hành tại doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí việc làm cho lao động sau tốt nghiệp.
Đà Nẵng cần khuyến khích về đất đai, ưu đãi thuế cho các trường nghề thành lập doanh nghiệp trực thuộc để vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo nguồn thu, vừa là nơi thực hành cho sinh viên…
Như vậy, việc giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng là tháo được nút thắt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
P. MINH – T. CAM