Chính trị - Xã hội
Lấy văn hóa làm nền tảng của 3 trụ cột phát triển
ĐNO - Ngày 21-3, HĐND thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND thành phố đối với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình kỳ họp HĐND thành phố trong phiên họp sắp tới để thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến đối với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tại hội nghị, Bí thư Quận ủy Hải Châu Trần Thắng Lợi đề nghị bổ sung chỉ tiêu số lượng giáo viên trên 1 vạn dân; khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt; đầu tư hạ tầng giao thông công cộng...
Thành phố cần quyết tâm làm việc, thỏa thuận với nhà đầu tư để triển khai trung tâm CBD (Trung tâm quận tài chính) tại Khu công nghiệp Đà Nẵng để tăng cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố. Bên cạnh đó, sau khi di dời ga đường sắt hiện hữu ra khỏi trung tâm thành phố, cần đầu tư đường giao thông trên tuyến đường sắt cũ.
Ngoài công trình vượt sông Hàn để kết nối đường Đống Đa với Vân Đồn, thành phố cần đầu tư tuyến đường nối thông đường Chu Huy Mân với đường Nguyễn Huy Chương ra biển.
Tại phía trước Nhà hát Trưng Vương, cần đầu tư xây dựng một bến bãi, đầu mối về giao thông tĩnh để phục vụ khách tham quan khu vực trung tâm thành phố như: đường Bạch Đằng, Trần Phú, chợ Hàn, chợ Cồn...
Bí thư Quận ủy Hải Châu Trần Thắng Lợi (bìa trái) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đối với khu đất sau khi di dời chợ đầu mối Hòa Cường ra xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), cần nghiên cứu để dành quỹ đất phục vụ các dự án tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm thành phố và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để cùng với nhân dân thực hiện các dự án tái thiết đô thị.
Riêng khu đất sau khi dời Đài phát sóng An Hải, cần sử dụng một phần diện tích để xây dựng mới Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà và công viên. Ngoài ra, cần bổ sung phương án, kịch bản ứng phó với ngập lụt khi mưa lớn, mưa cực đoan và bổ sung khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà vào vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Ông Trần Thắng Lợi thống nhất mở rộng, nâng cấp Nhà trưng bày Hoàng Sa thành Bảo tàng Hoàng Sa, nhưng cần nghiên cứu việc hoán đổi khu đất ở lân cận để triển khai.
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh (bìa trái) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh thống nhất theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư là tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của thành phố trong giai đoạn 2021-2030 là 9,5%; thống nhất điều chỉnh quy hoạch huyện Hòa Vang thành đô thị loại 4 và thị xã, nhưng cần thông tin rõ về số lượng tiêu chí đã đạt được cũng như chưa đạt được để thành phố tập trung đầu tư, giúp cho Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho rằng, chủ trương đưa huyện Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025 được cụ thể hóa trong một nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, nên trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nêu rõ mục tiêu và lộ trình này.
Trong 63 chỉ tiêu thuộc 5 tiêu chí về thị xã, huyện Hòa Vang đã đạt 35 chỉ tiêu ở mức cao, 10 chỉ tiêu đã đạt được ở mức thấp, còn 18 chỉ tiêu chưa đạt và huyện đang quyết tâm sẽ đạt được.
Ông Tô Văn Hùng cũng cho rằng, thành phố đang hướng đến đô thị sinh thái nên cần bổ sung nguyên tắc lập quy hoạch theo hướng sinh thái, cụ thể là cần làm rõ nét hơn về công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn...
Bên cạnh đó, trong quy hoạch này và các quy hoạch ngành cần quan tâm đến khu vực phía tây thành phố (huyện Hòa Vang) và giải pháp để đạt được những mục tiêu, đặc biệt là hệ thống thoát nước, hạ tầng...
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Phạm Tấn Xử đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù xây dựng công nghiệp văn hóa. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ sự không thống nhất tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về khoảng cách giữa Sân bay Đà Nẵng và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn hơn 15km, khoảng cách giữa Sân bay Đà Nẵng với khu đa dạng sinh học phải hơn 13km, vì đây là đặc thù của Đà Nẵng.
Nhiều đại biểu có ý kiến bổ sung các công trình giao thông trọng điểm, giao thông khối lượng lớn, giao thông ngầm... Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung văn hóa làm nền tảng của 3 trụ cột phát triển. Cụ thể, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Phạm Tấn Xử đề nghị: “Trong quy hoạch cần bổ sung giải pháp về tạo cơ chế đặc thù để phát triển công nghiệp văn hóa để Sở Văn hóa - Thể thao có cơ sở đề xuất cụ thể”.
Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và đại biểu HĐND thành phố và đề nghị tiếp tục đóng góp ý kiến để đối với dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, sẽ tổng hợp các nội dung, ý kiến để đưa vào báo cáo thẩm tra quy hoạch này, trình kỳ họp HĐND thành phố sắp đến.
Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5- 10%/năm, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200-220 triệu đồng/người (tương đương 8.000-8.500 USD); tốc độ tăng tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt 17,5-18%/năm, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt 12,5-13%/năm, cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP, kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 9-10%/năm; mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11-12%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 800 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 90% ...
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
HOÀNG HIỆP