Chính trị - Xã hội

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

07:16, 21/03/2023 (GMT+7)

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được nêu ra tại hội nghị Trung ương 12 (khóa IX) vào tháng 7-2005 khi quyết định triển khai chỉ đạo điểm ở một số cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp theo, Bộ Chính trị khóa X đã quyết định tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quốc vào tháng 11-2006. Đây không chỉ là chuyện nghiêm túc học tập một gương ngời sáng về đạo đức mà còn và quan trọng hơn là chuyện người học tập tự mình phải làm theo tấm gương đạo đức ngời sáng ấy để đến lượt mình trở thành gương sáng về đạo đức cho người khác noi theo.

Tháng 6-2012, Ban Bí thư (khóa XI) ban hành Quy định số 101-QĐ/TW quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tháng 12-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, tháng 10-2018, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Quy định số 08-QĐi/TW quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định số 08-QĐi/TW tiếp tục kế thừa các nội dung nêu gương nêu trong các quy định trước đó là để “nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả”.

Hai yếu tố tự giác và thường xuyên trong nêu gương rất quan trọng. Khi ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW vào tháng 5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) không chỉ nhằm mở rộng nội dung học tập và làm theo Bác Hồ từ lĩnh vực đạo đức sang cả ba lĩnh vực tư tưởng, đạo đức và phong cách, cốt để nội dung học tập Bác Hồ trở nên toàn diện, sâu sắc hơn, mà còn nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI): “việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên”.

Yếu tố tự giác rất quan trọng vì chỉ khi tự giác thì người học tập mới có thể tự giám sát quá trình đưa “ống kính camera” về phía bản thân để “tự soi” các hành vi của mình, nhất là các hành vi không bộc lộ ra bên ngoài như dùng lá phiếu trong bỏ phiếu kín vì động cơ cá nhân chứ không xuất phát từ nhu cầu công vụ và từ lợi ích của Đảng; như im lặng khi cần phải lên tiếng bày tỏ chính kiến rõ ràng, như “thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân” (Quy định số 08-QĐi/TW); hay như hành vi “ném đá giấu tay” kiểu “mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội” (Quy định số 08-QĐi/TW), nhất là những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Và cũng chỉ khi tự giác, người học tập mới có thể giám sát quá trình tự sửa chữa, tự khắc phục các khuyết điểm, sai lầm của mình được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, phê bình, kỷ luật, và nhất là thông qua hoạt động tự phê bình “tự soi”…

Yếu tố thường xuyên càng quan trọng hơn. Thường xuyên, không ngừng là đòi hỏi chung cho mọi nỗ lực rèn luyện về đạo đức. Tiếng Việt có hai từ tưởng giống nhau nhưng kỳ thực khác nhau: người tử tế và người tinh tế. Chỗ khác nhau cơ bản nhất giữa hai con người đều rất đáng ngưỡng mộ này là trong quá trình rèn luyện, người tinh tế hôm nay có thể đến ngày mai thiếu tinh tế và đến ngày kia mới trở lại tinh tế, không sao cả.

Trong khi đó, xã hội khó chấp nhận một người được xem là tử tế mà lại có ngày… thiếu tử tế. Cũng như yếu tố tự giác, yếu tố thường xuyên do chính người học tập tự quyết định, đồng thời hễ càng tự giác, yếu tố thường xuyên càng có cơ hội được khẳng định. Đương nhiên tự giác hay thường xuyên vẫn có thể được tác động từ bên ngoài, mà tác động quan trọng nhất là trông lên… để học.

Không phải ngẫu nhiên mà Quy định số 101-QĐ/TW nhấn mạnh, “cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, trước hết là gương mẫu trong việc tự giác và thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng cũng như trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương nói chung.

Áp lực nêu gương của cán bộ cấp chiến lược nói riêng, của người đứng đầu các cấp nói chung do vậy rất lớn, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực tối đa để vượt qua áp lực nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Còn nhớ ngành giáo dục - đào tạo nhiều năm trước đây có phát động cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Mối quan hệ giữa người nêu gương với người học tập và làm theo trong trường hợp này vẫn có một khoảng cách nhất định giữa người trưởng thành với người chưa trưởng thành, kèm theo là sự hỗ trợ của truyền thống ngàn đời tôn sư trọng đạo.

Trong khi đó, những người đứng đầu cấp ủy các cấp, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc địa phương không có được ưu thế ấy. Về mặt rèn luyện đạo đức cách mạng, so với đảng viên trong toàn đảng bộ, các cấp ủy viên không hẳn là những người tốt nhất xếp từ trên xuống; rồi so với các cấp ủy viên, các ủy viên thường vụ không hẳn là những người tốt nhất xếp từ trên xuống; và so với các ủy viên thường vụ thì thường trực cấp ủy cũng không hẳn là những người tốt nhất xếp từ trên xuống.

Nói “không hẳn” bởi có khi một người được bầu hay được chỉ định vào cấp ủy, vào thường vụ cấp ủy hay trở thành người đứng đầu cấp ủy đơn thuần là do vị trí công tác cần cơ cấu, thậm chí đơn thuần còn trẻ hơn cần quy hoạch đào tạo lâu dài…

Đó là chưa kể nguy cơ còn bị “xuống hạng” do tha hóa bởi quyền lực, khi được giao quyền lực. Nếu không ý thức được thực tế này để mà khiêm tốn hơn nhiều lần, kiên trì hơn nhiều lần, nỗ lực hơn nhiều lần trong việc phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng cũng như trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương nói chung, chắc chắn những người đứng đầu cấp ủy các cấp, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc địa phương khó trở thành gương sáng để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo…  

BÙI VĂN TIẾNG 
Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố

.