Chính trị - Xã hội

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng

06:29, 11/03/2023 (GMT+7)

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cát xây dựng, đất đắp, đá..., nhưng những khó khăn về vật liệu xây dựng thông thường tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vẫn chưa chấm dứt, đòi hỏi phải tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ.

Mỏ khai thác cát trên sông Vu Gia đoạn gần cầu Hà Nha đã hoạt động trở lại nhưng với quy mô nhỏ, không rầm rộ như trước đây. Ảnh: H.H
Mỏ khai thác cát trên sông Vu Gia đoạn gần cầu Hà Nha đã hoạt động trở lại nhưng với quy mô nhỏ, không rầm rộ như trước đây. Ảnh: H.H

Các mỏ, bến cát hoạt động trở lại nhưng giảm quy mô

Những năm qua, do thành phố không cấp phép khai thác cát, sỏi trên các sông làm vật liệu xây dựng thông thường nên nguồn cát xây dựng phục vụ cho các công trình trên địa bàn thành phố được mua chủ yếu từ tỉnh Quảng Nam, nhất là huyện Đại Lộc.

Thế nhưng, vừa qua, nhiều mỏ khai thác cát trên các sông ở huyện Đại Lộc ngừng hoạt động, làm giá cát trên thị trường tăng cao. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Đại Lộc đã có chỉ đạo, đôn đốc một số mỏ cát lớn còn thời hạn khai thác hoạt động trở lại.

Đặc biệt, tại Thông báo số 56/TB-UBND ngày 3-3-2023 của UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện Đại Lộc và Duy Xuyên đã được cấp giấy phép, còn thời hạn hoạt động phải khẩn trương đưa mỏ vào hoạt động khai thác đúng công suất theo giấy phép được cấp và niêm yết công khai giá bán, cung cấp kịp thời vật liệu cát xây dựng cho các công trình, dự án.

UBND các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam theo dõi, kiểm tra, trường hợp không đưa mỏ vào khai thác thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm và thu hồi giấy phép.

Theo ghi nhận của phóng viên, khác với cảnh vắng lặng như nửa tháng trước, bến tập kết cát ở gần cầu Giao Thủy và Hà Nha (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã hoạt động trở lại với nhiều xe tải ben vào lấy cát rồi chở đi các nơi, cung cấp cho thị trường.

Tuy vậy, quy mô hoạt động khai thác cát lẫn bán cát cho thị trường không rầm rộ như trước đây. Ông H., đại diện Công ty TNHH Đầu tư thương mại Pha Lê xác nhận, việc khai thác cát tại mỏ cát, sỏi trên sông Vu Gia thuộc thôn Hội Khách, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc của công ty đã trở lại nhưng với quy mô vừa phải.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc Võ Ngọc Tốt cho rằng, mỏ khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia tại gần cầu Hà Nha thuộc khu vực xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc) đã khai thác trở lại. Bến cát tại khu vực gần cầu Giao Thủy cũng đã hoạt động trở lại, nhưng chỉ chủ yếu tập kết cát khai thác từ khu vực xã Duy Hòa (Duy Xuyên) chuyển sang, còn mỏ khai thác cát tại xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc) chưa đủ điều kiện hoạt động. “Giá bán tại các mỏ đều được các đơn vị khai thác niêm yết là 150.000 đồng/m3”, ông Võ Ngọc Tốt cho biết.

Theo một số người kinh doanh cát xây dựng, trước đây, cả tỉnh Quảng Nam có khoảng 30 mỏ khai thác cát, riêng tại huyện Đại Lộc có đến 16 mỏ khai thác cát, nhưng hiện chỉ còn một vài mỏ đang còn giấy phép hoạt động thì khó cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường, đặc biệt là nhiều công trình cần trữ lượng cát lớn để thi công.

Đặc biệt, công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện tại đoạn hạ lưu trạm bơm Tứ Câu cần khoảng 10.000m3 cát vẫn chưa thể thi công, gây khó khăn cho việc bảo đảm cấp nước tưới cho 1.885ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 89ha sản xuất lúa đông xuân ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn do độ mặn tại cầu Tứ Câu đã lên mức 20‰ (tương đương 20.000mg/l) vào ngày 3-3-2023.

Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho hay: “Năm nay chưa đắp được đập tạm vì không có cát để đắp. Công trình đã được mời thầu 2 lần mà không có đơn vị nào tham gia đắp đập”.

4 đơn vị xin nâng trữ lượng khai thác mỏ

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Võ Tấn Hà,  theo một số thông tin phản ánh thì thị trường giá vật liệu cát xây dựng đang biến động và theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng không cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đối với cát xây dựng nên Sở Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án đầu tư xây dựng; các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra về xác định giá vật liệu xây dựng.

Các đơn vị nghiên cứu xác định giá vật liệu theo quy định để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp khi sử dụng loại vật liệu này và không để xảy ra tình trạng gián đoạn trong các hoạt động đầu tư xây dựng.

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn thành phố còn 11 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác do UBND thành phố cấp phép còn hiệu lực. Trong đó, có 9 mỏ đá xây dựng với tổng trữ lượng khai thác đá nguyên khối theo giấy phép là hơn 850.000m3/năm; 1 mỏ đất đồi nguyên khối làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng khai thác theo giấy phép là 200.000m3/năm.

Ngoài ra, thành phố cũng đã cấp 4 giấy phép khai thác kháng sản trong dự án xây dựng công trình làm vật liệu xây dựng thông thường và 4 công văn cho phép bóc đất ở tầng phủ tại các mỏ đá với tổng trữ lượng khai thác 388.199m3 đất nguyên khối phục vụ thi công các công trình trên địa bàn thành phố.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại Thông báo số 65/TB-VP ngày 20-2-2023 của Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc và nhận được 4 hồ sơ của các tổ chức đề nghị xin phép thăm dò nâng cấp trữ lượng và nâng công suất khai thác mỏ để cung cấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các công trình trên địa bàn thành phố.

Sở cũng đã, đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế từng đơn vị để có cơ sở đề xuất UBND thành phố cho phép thăm dò, nâng trữ lượng và nâng công suất khai thác mỏ để phục vụ cho các công trình trên địa bàn thành phố.

HOÀNG HIỆP

.