Chính trị - Xã hội
Vướng mắc khi thực hiện mô hình tổ chức Đảng ở cơ quan cấp huyện
Sau khi Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 9-3-2010 về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), các quận, huyện ủy trên địa bàn thành phố đã tiến hành hợp nhất các chi bộ cơ sở để thành lập 3 đảng bộ cơ sở trực thuộc quận ủy, huyện ủy (đảng bộ các cơ quan Đảng, đảng bộ các cơ quan chính quyền, đảng bộ cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội). Quá trình triển khai, bên cạnh một số thuận lợi đã nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Hội nghị khảo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị tại Đảng bộ quận Sơn Trà. Ảnh: T.H |
Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Trọng Hùng cho biết, trước khi thực hiện Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, các chi bộ cơ sở như chi bộ phòng nội vụ, chi bộ phòng tư pháp, chi bộ phòng tài chính - kế hoạch… trực thuộc đảng bộ cấp huyện trở thành các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở các cơ quan chính quyền thuộc đảng bộ cấp huyện. Tương tự, chi bộ ban tổ chức, chi bộ ủy ban kiểm tra, chi bộ ban tuyên giáo quận, huyện ủy… trực thuộc đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ cơ sở các cơ quan Đảng. “Ưu điểm của mô hình là giảm nhiều đầu mối TCCSĐ trực thuộc đảng bộ cấp huyện”, ông Hùng nói.
Trước khi sắp xếp, các quận ủy, huyện ủy trên địa bàn thành phố có 318 TCCSĐ (93 đảng bộ và 225 chi bộ với 1.733 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở). Sau khi sắp xếp, chỉ còn lại 217 TCCSĐ (113 đảng bộ và 104 chi bộ với 1.986 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở), giảm 101 TCCSĐ, tăng 253 chi bộ trực thuộc. Ngoài ra, do chỉ tập trung về 3 đầu mối đảng bộ cơ sở, nên có điều kiện thuận lợi trong việc quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh những ưu điểm, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, Bí thư Đảng bộ Các cơ quan Đảng quận Hải Châu Hoàng Giang Yên Thủy cho rằng, ba đảng bộ này được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ nhiều chi bộ có nhiệm vụ chính trị, chuyên môn khác nhau nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy không sát với hoạt động chuyên môn của từng tổ chức Đảng. Việc ra nghị quyết của đảng bộ đôi khi còn lúng túng, chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan lãnh đạo của quận và đảng ủy các cơ quan này.
Theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn Lê Thị Thanh Duyên, theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, thẩm quyền đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc về ban thường vụ các quận ủy, huyện ủy, với sự tham mưu của ban tổ chức cấp ủy và phòng nội vụ, ban chấp hành đảng bộ. Do đó, ban thường vụ của ba đảng ủy cơ sở nói trên không có thẩm quyền tham gia ý kiến về công tác cán bộ, mà chỉ có vai trò nhận xét, đánh giá chức trách nhiệm vụ của đảng viên (được quy hoạch). Một bất cập rõ nét là công tác kiểm tra, giám sát.
Theo quy định, các trưởng phòng ở khối chính quyền (thường là bí thư chi bộ) là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Quận ủy quản lý, do đó chịu sự kiểm tra, giám sát của Quận ủy. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, giám sát đối tượng này, buộc phải thông báo cho Đảng bộ Các cơ quan chính quyền biết, tham dự, nghĩa là thêm một nấc trung gian.
Cả bà Hoàng Giang Yên Thủy và bà Lê Thị Thanh Duyên chung quan điểm, số lượng đảng viên của các đảng bộ khá đông, nhất là đảng bộ các cơ quan chính quyền, nhưng không có cán bộ chuyên trách công tác Đảng nên gặp nhiều khó khăn trong việc vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa kiêm nhiệm công tác Đảng. Các ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy đều kiêm nhiệm, do đó việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng đôi lúc chưa sâu sát. Công tác kiểm tra, giám sát tuy được quan tâm thực hiện nhưng vẫn chưa hiệu quả. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra đều kiêm nhiệm nên thời gian thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không thường xuyên. Việc sắp xếp tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên chưa đồng bộ với sắp xếp, kiện toàn tổ chức Đảng, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” cuối tháng 3-2022, Ban Thường vụ Quận ủy Sơn Trà kiến nghị, từ những bất cập, vướng mắc khi thực hiện thí điểm theo Hướng dẫn 38-HD/BTCTW, Trung ương nên cho phép vận dụng quy định đối với đảng bộ có hơn 200 đảng viên cần bố trí cán bộ chuyên trách công tác Đảng.
Đại diện các quận ủy, huyện ủy trên địa bàn thành phố đều kiến nghị, nên dừng tổ chức mô hình 3 đảng bộ các cơ quan thuộc cấp huyện như hiện nay. Trường hợp duy trì, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các đảng ủy, đồng thời, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng Đảng và có chế độ hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm. Được biết, hiện nay một số địa phương trên cả nước đã dần bỏ triển khai mô hình 3 đảng bộ các cơ quan thuộc cấp huyện. Đà Nẵng là số ít địa phương còn lại còn tiếp tục duy trì.
Ghi nhận những khó khăn, kiến nghị từ cơ sở, ông Nguyễn Trọng Hùng cho rằng, những hạn chế nói trên phản ánh đúng thức tế khi triển khai mô hình 3 tổ chức đảng nói trên. Một khó khăn nữa theo ông Hùng, đó là vai trò của cấp ủy và ban thường vụ của 3 đảng ủy cơ sở nói trên còn mờ nhạt. Quá trình triển khai mô hình đã bộc lộ nhiều yếu tố chưa phù hợp với thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của các đảng ủy không rõ ràng, gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chủ đạo.
TRỌNG HUY