Chính trị - Xã hội

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng mùa nắng nóng

13:18, 27/04/2023 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng kéo dài và khô hanh khiến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn thành phố đang mức cảnh báo cao trở lên. Lực lượng kiểm lâm thành phố cùng các địa phương đã và đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” và “Phòng là chính, chữa cháy là kịp thời”.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang Lê Đình Thám (bên phải) trao đổi thông tin với chủ rừng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang Lê Đình Thám (bên phải) trao đổi thông tin với chủ rừng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nỗ lực không để xảy ra cháy rừng

Nằm về phía tây của thành phố, huyện Hòa Vang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với gần 73.316ha và tiếp giáp nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Với địa hình chia cắt, độ dốc lớn, nhiều sông, suối... gây trở ngại cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, địa phương và người dân, năm 2022, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng tại xã Hòa Nhơn - Hòa Sơn, giảm 9 vụ so với năm 2021. Năm qua, các xã trên địa bàn huyện đã thành lập 8 Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), 8 tổ xung kích cấp xã, 42 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR với tổng lực lượng hơn 500 người.

Ông Nguyễn Tiến Hạnh, thành viên tổ phản ứng nhanh PCCCR và bảo vệ rừng xã Hòa Phú cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là các khu vực nhiều cỏ khô, lau sậy. Vì vậy, công tác phối hợp tuần tra, giám sát tại khu vực được giao rất quan trọng.

Ông Hạnh cùng các thành viên trong tổ thường xuyên đi dọc ở các vị trí đường mòn vào rừng, các khu vực bìa rừng tiếp giáp với rừng trồng, nhằm ngăn chặn hành vi đốt thực bì chưa xin phép, thông tin nhanh đến lực lượng chức năng khi có sự cố cháy rừng và hỗ trợ lực lượng chức năng tìm đường đến khu vực cháy nhanh nhất. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và nguy cơ cháy rừng đến các hộ dân trồng rừng trên địa bàn.

Ông Võ Sơ, người dân thôn Phú Hải, xã Hòa Phú chia sẻ, gia đình ông đang trồng 16ha cây keo lá tràm. Trước nguy cơ cháy rừng luôn thường trực, ông cùng các thành viên gia đình thường xuyên túc trực, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy và sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Ngoài ra, khi đốt thực bì, ông luôn báo cáo lực lượng chức năng và tuân thủ các quy định như: Phân định ranh giới 6m-10m để không xảy ra nguy cơ cháy lan, dập tàn lửa đúng cách và kiểm tra kỹ càng sau khi hoàn tất.

Trong khi đó, với hơn 3.791ha tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, bán đảo Sơn Trà được ví von như “lá phổi xanh” của quận và thành phố nói chung. Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, tài nguyên rừng tại đây phong phú, đa dạng với 1.679 loài động vật, thực vật được thống kê, trong đó, 110 loài thực vật và 58 loài động vật  nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu cần quan tâm bảo vệ. Đặc biệt, nơi đây có sự hiện hữu của “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá chân nâu. Một số loài cây rừng trồng chủ yếu gồm: Chò, sao đen, keo, bạch đàn, dó bầu... có giá trị cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ, dăm bột giấy cho xuất khẩu và làm kinh tế vườn rừng. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, năm 2022, trên bán đảo Sơn Trà không xảy ra cháy rừng.

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn Ngô Trường Chinh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân và đơn vị có hoạt động ở trong rừng, gần rừng và ven rừng ký cam kết chấp hành nghiêm quy định phòng cháy chữa cháy. Trên các tuyến đường của lên núi Sơn Trà đều có số điện thoại của lực lượng kiểm lâm để người dân, du khách kịp thời tiếp cận phản ánh thông tin đến cơ quan chức năng khi có sự cố cháy xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị đã tham mưu Chi cục Kiểm lâm thành phố thành lập đội phản ứng nhanh đóng quân trên địa bàn quận Sơn Trà với 6 thành viên. Lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ 6 tháng mùa khô cao điểm hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 9. Đây cũng là lực lượng ứng trực cao điểm nắng nóng, nhất là trong dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp đến.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang, từ đầu năm, đơn vị phối hợp với UBND các xã có rừng xây dựng phương án và thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng túc trực, phối hợp với lực lượng địa phương tuần tra, đặc biệt chú trọng các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Đồng thời, tập trung tăng cường tuyên truyền cho người dân, nhất là việc xử lý thực bì trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Đơn vị đã đầu tư, trang bị phương tiện, máy móc chữa cháy; sửa chữa các đường mòn vào rừng và phát quang các khu vực dễ phát lửa, làm các bảng cảnh báo, tuyên truyền bảo vệ rừng...

“Đa số diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện đều ở ven khu dân cư các xã. Vì vậy, nguy cơ cháy rừng xảy ra vào mùa nắng nóng rất cao. Các địa phương có rừng cần tập trung công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động; thành lập các tổ đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang Lê Đình Thám thông tin.

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thành phố Lê Mạnh Hùng cho hay, đơn vị đã thành lập Đội phản ứng nhanh PCCCR trên địa bàn với 40 người, chia làm 3 tổ công tác hoạt động trên địa bàn trọng điểm, gồm rừng nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và các khu rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây là những khu vực ở sát khu dân cư và có các khu du lịch nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Chi cục chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra các hoạt động trong rừng, ưu tiên tập trung lực lượng bảo đảm công tác kiểm tra PCCCR.

“Quan điểm của chúng tôi là “Phòng là chính, chữa cháy là kịp thời”. Vì vậy, ngoài lực lượng kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn là nòng cốt, tham mưu cho tổ, đội phản ứng nhanh ở địa phương. Nếu có cháy rừng xảy ra, lực lượng tại chỗ địa phương sẽ có mặt kịp thời”, ông Hùng nói.

VĂN HOÀNG

.