Nếu xây dựng thành công, trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ trở thành cực kết nối và lan tỏa tài chính của miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam, với điểm nhấn không chỉ có các hoạt động tài chính, dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng (casino) mà còn liên kết với các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, thương mại đẳng cấp; dần hướng đến là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á.
TS. Lê Xuân Nghĩa |
Điều kiện tiên quyết để xây dựng trung tâm tài chính
Điều kiện đầu tiên để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính là cần có hàng hóa tài chính. Điều kiện tiếp theo là phải có lực lượng các định chế tài chính mạnh. Định chế tài chính được hiểu là các công ty tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các thể nhân tài chính…
Tại Việt Nam, thuật ngữ “định chế” thường được hiểu như hệ thống pháp luật là chưa đủ. Một trung tâm tài chính cần có nhiều thể nhân tài chính và sàn giao dịch chứng khoán. Ở nước ta, có thể có một công ty chứng khoán chung, nhưng hoàn toàn có thể tổ chức thành ba sàn giao dịch. Như vậy, trước tiên, cần có hàng hóa tài chính rồi sau đó là định chế tài chính và cuối cùng là thị trường tài chính.
Bây giờ, các nước phát triển thường không xây dựng các trung tâm tài chính dựa trên nền tảng hàng hóa mà chủ yếu dựa trên các định chế tài chính. Ví dụ, khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), một số định chế tài chính cũng rời đi thì London mất dần vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Khi tách ra khỏi EU, điều Anh sợ nhất là các định chế tài chính sẽ dần chuyển đi.
Để xây dựng các định chế tài chính, đầu tiên là phát triển các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, sau đó là sàn giao dịch ngoại hối, sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch vàng. Tiêu chuẩn tiếp theo là cơ sở hạ tầng cần rộng, độc lập. Ví dụ, trung tâm tài chính London hay Hong Kong (Trung Quốc) được coi là một thành phố, với một bộ máy hành chính riêng, thiết chế về mặt hành chính là riêng biệt, đặc thù. Cơ sở hạ tầng là hệ thống thanh toán hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ; cần số hóa toàn bộ trung tâm tài chính.
Từ những yêu cầu trên và điều kiện về hạ tầng đô thị, vị trí địa lý, chất lượng môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của Đà Nẵng, có thể khẳng định Đà Nẵng hội tụ những yếu tố để xây dựng thành công một trung tâm tài chính. Tôi cho rằng, lựa chọn xây dựng trung tâm tài chính ở Đà Nẵng có những mặt hay hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Bởi hiện nay, ở cả Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì việc có thể dành ra một khu đất lớn và độc lập như Đà Nẵng là rất khó. Nếu đưa trung tâm tài chính ra xa thành phố quá cũng không được.
Lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng là thị trường, nhất là thị trường khách du lịch và tiềm năng tăng dân số trong tương lai khi hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sống. Đây vừa là cơ sở quan trọng để có thể xây dựng thành công trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; đồng thời, là thách thức mà Đà Nẵng cần phải xử lý để có thể đạt được mục tiêu và khát vọng đã để ra.
Lượng người tại Đà Nẵng chưa đông, nhưng lượng khách du lịch đến lưu trú rất đông. Đây có thể được coi là điều kiện trước tiên để phát triển trung tâm tài chính. Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực thu hút khách du lịch để dần thay đổi cục diện phát triển trong hơn một thập kỷ qua. Những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam dẫn dắt phát triển như Sun Group, Vin Group... đều có mặt tại Đà Nẵng với nhiều công trình đẳng cấp quốc tế... Đà Nẵng còn vinh dự là nơi được chọn tổ chức sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, là nơi duy nhất diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) nhiều năm liên tiếp…
Nhiều người đến với Đà Nẵng không chỉ là đi du lịch mà còn kết hợp làm ăn, kinh doanh. Do đó, trung tâm tài chính cần cung cấp dịch vụ tài chính cho người không cư trú. Tại Đà Nẵng cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch giải trí. Khi dân cư ít thì đối tượng sử dụng các dịch vụ tài chính cũng ít. Ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán cũng phải có khách hàng. Dân cư ít và chưa giàu nên Đà Nẵng cần khắc phục điều đó.
Cần thu hút được dân từ các vùng khác về đây sinh sống và làm việc. Muốn vậy, Đà Nẵng cần xây dựng nhiều hơn những khu đô thị kiểu mẫu theo những chuẩn mực quy hoạch và quản lý bài bản, hiện đại để thu hút giới tinh hoa, tầng lớp trung lưu đến và làm việc tại Đà Nẵng. Ngoài ra, có thể sử dụng công nghệ để kết nối một vùng rộng lớn từ tâm của trung tâm tài chính.
Như vậy, một chi nhánh ngân hàng ở Đà Nẵng mới có thể cho các tỉnh xung quanh vay với khoản vay lớn để tài trợ cho các công trình trọng điểm. Ví dụ như cho Thaco Trường Hải hay Hoàng Anh Gia Lai vay thì phải là những định chế tài chính lớn để tài trợ cho các dự án tại khu vực miền Trung, vì thế phải có các chính sách khuyến khích để có nhiều định chế tài chính tập trung về Đà Nẵng.
Xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng như thế nào và bằng cách nào?
Bước đầu, nên xây dựng một trung tâm ở quy mô vừa rồi phát triển dần dần, không nên đặt tham vọng quá lớn. Việt Nam chưa có một hệ thống pháp lý tốt cho chuyển đổi số hay cấp phép cho hoạt động tài chính điện tử, fintech,...
Nhưng điều đó chưa phải là quan trọng nhất. Trước tiên, Đà Nẵng cần mạnh dạn hơn để đầu tư và phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, giá cho thuê rẻ, đào tạo cán bộ chuẩn thì sẽ có nhiều định chế tài chính nở rộ và tập trung. Phải có một khu đất rộng phục vụ cho hạ tầng của trung tâm tài chính, giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng cho thuê.
Trong đề án xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng trình Trung ương, mục tiêu hướng đến là thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính đầu tư trong khu vực hành lang kinh tế Đông Tây và một số quốc gia khác trong khu vực.
Tôi cho rằng, để khu vực miền Trung có thể trở thành khu vực công nghiệp và du lịch lớn nhất Việt Nam, việc đặt trung tâm tài chính tại Đà Nẵng là hợp lý. Trung tâm tài chính phải gắn với doanh nghiệp vì doanh nghiệp là đối tượng chính sử dụng dịch vụ tài chính. Giáo sư Trần Văn Thọ, một người bạn thân tình của tôi cho rằng, định hướng và mục tiêu của khu vực miền Trung là phát triển công nghiệp và du lịch. Với lĩnh vực công nghiệp, có thể là công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến nông phẩm, chế biến hải sản... Với du lịch, là du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá, nghỉ dưỡng, kết hợp vui chơi giải trí.
Tất cả những lĩnh vực đó, đều cần đến và đồng thời tạo động lực cho trung tâm tài chính phát triển. Do đó, việc đặt ra tầm nhìn và mục tiêu đầu tiên là một trung tâm tài chính của khu vực miền Trung, hỗ trợ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hợp lý. Tại châu Á có trung tâm tài chính ở Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) khá phát triển nhưng Đà Nẵng nên làm theo kiểu Macao (Trung Quốc) với quy mô vừa gắn với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Điểm khác biệt lớn của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh khi xây dựng trung tâm tài chính, đó là Đà Nẵng có lợi thế kết hợp với các hoạt động dịch vụ tiện ích khác như nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí, tạo điểm nhấn khác biệt cho du khách và nhà đầu tư quốc tế. Đà Nẵng dựa trên lợi thế cạnh tranh về mặt du lịch và nghỉ dưỡng kết hợp với các định chế tài chính quốc tế, từ đó tạo ra sự liên kết và thị trường rất phong phú, đa dạng. Điều này có những nét tương đồng như các trung tâm tài chính đặt tại Singapore, Dubai (Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đang phát triển, qua đó phát huy thế mạnh của Đà Nẵng; đồng thời tạo điểm nhấn và lan tỏa sự phát triển đến vùng du lịch miền Trung, góp phần quảng bá hình ảnh của khu vực với cộng đồng du lịch quốc tế.
Trung tâm tài chính của Đà Nẵng có thể đặt trong một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh. Đà Nẵng có thể xây dựng trung tâm tài chính theo hướng hệ sinh thái tài chính công nghiệp, nghỉ dưỡng, hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Để có thể xây dựng hạ tầng cho việc phát triển trung tâm tài chính của Đà Nẵng thì nên mạnh dạn hơn trong việc giao cho doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển các dự án trọng điểm.
Bởi với hình mẫu Quảng Ninh, từ sân bay quốc tế, đường cao tốc hay cảng biển lớn đều do doanh nghiệp tư nhân xây dựng, nguồn lực Nhà nước chỉ chiếm 30%. Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược, từ chính sách miễn giảm thuế đến tiền thuê đất trong dài hạn. Cần giao đất sạch cho doanh nghiệp, quá trình đền bù giải phóng mặt bằng đơn giản, quy hoạch rõ ràng để các dự án được triển khai nhanh, tiết kiệm. Có như vậy, mới tập hợp được nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân.
Đà Nẵng cần phát triển một vài trung tâm thương mại lớn, để triển lãm, tạo nên sàn giao dịch hàng hóa, trải nghiệm đầy đủ nhu cầu của con người, kết hợp với các khu du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời, cần có cả dịch vụ truyền thông, marketing...
Ở Việt Nam chưa có trung tâm nào như vậy. Không có trung tâm thương mại lớn thì không thể phát triển hàng tiêu dùng nội địa được. Đà Nẵng cần có ít nhất hai trung tâm thương mại lớn: trung tâm thương mại để bán hàng hóa bình thường và trung tâm chuyên về vật liệu xây dựng, đồ nội thất. Đà Nẵng nhất định phải có casino chuyên nghiệp.
Khi làm được điều đó, tôi có niềm tin Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của khu vực và hướng đến tầm nhìn toàn cầu.
TS. LÊ XUÂN NGHĨA
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com |