Chính trị - Xã hội
"Đáng sống" thì "đáng đến"
Với Đà Nẵng du lịch đang là cốt lõi nhưng các dịch vụ khác của Đà Nẵng có những điểm rất sáng và tiềm năng như dịch vụ xuất khẩu phần mềm, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao như y tế, giáo dục...
* PGS.TS Bùi Quang Bình, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng): “Đáng sống” thì “đáng đến”
Không phải tự nhiên mà Đà Nẵng có thương hiệu “thành phố đáng sống”. Từ sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997) đến nay, trải qua các thời kỳ, lãnh đạo thành phố đều rất tâm huyết để xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Đà Nẵng được gọi là “thành phố đáng sống” dựa trên nhiều tiêu chuẩn như về quy mô dân số, diện tích; tỷ lệ đô thị hóa; dân số đô thị hóa (khoảng 87%); tiêu chí thu nhập bình quân đầu người; cơ sở hạ tầng, giao thông; môi trường an ninh trật tự, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên… đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội ở các lĩnh vực như phát triển dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng rất quan tâm đến yếu tố con người thông qua các chính sách an sinh xã hội được triển khai rất hiệu quả như “5 không, 3 có”, “4 an”, “thành phố môi trường”... Các chính sách này đều hướng đến yếu tố con người, xây dựng môi trường sống ngày một tốt hơn. Chưa kể, trải qua thời gian, Đà Nẵng cũng đã tạo được “bản sắc” riêng ngoài cảnh quan thiên nhiên như được gọi là “thành phố của những cây cầu”; “thành phố pháo hoa”...
Từ những yếu tố trên đã góp phần tạo nên thương hiệu và khi thành phố đã “đáng sống” thì sẽ là nơi “đáng đến” của cả du khách cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bởi nhìn một cách tổng thể, tuy Đà Nẵng không quá sôi động bằng các thành phố lớn ở hai đầu đất nước như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Đà Nẵng là thành phố dịch vụ, trong đó du lịch là trọng tâm. Đà Nẵng có bóng dáng của đô thị hiện đại, tạo ra được những nét đặc trưng riêng, có nền kinh tế đô thị phát triển gắn kết với các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, hình thành vùng đô thị (vùng động lực miền Trung và Đà Nẵng là thành phố động lực chính).
Một nền kinh tế phát triển dựa chủ yếu vào dịch vụ, khi các dịch vụ tốt tự khắc sẽ trở thành đáng đến. Với Đà Nẵng du lịch đang là cốt lõi nhưng các dịch vụ khác của Đà Nẵng có những điểm rất sáng và tiềm năng như dịch vụ xuất khẩu phần mềm, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao như y tế, giáo dục... Đà Nẵng nên đi sâu vào chất lượng, như với du lịch thì hướng đến du lịch chất lượng cao, các lĩnh vực khác thì cung cấp sản phẩm dịch vụ chất lượng cao để tạo ra sự khác biệt bao gồm cả yếu tố con người.
Đà Nẵng đã xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước... Muốn vậy thành phố cần phải giải quyết được các vấn đề về nhân lực, chính quyền thành phố phải thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; duy trì tốt các chính sách nhân văn đã được triển khai trước đó...
* Th.S Xa Doãn Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH 4T TRAVEL: Doanh nghiệp luôn đồng hành xây dựng thương hiệu của thành phố
Đà Nẵng có những ưu thế về tài nguyên du lịch, với “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” trong những năm qua đã và đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch toàn cầu nói chung. Đà Nẵng là thành phố mạnh về du lịch dịch vụ, trong đó du lịch tựu chung dựa vào các yếu tố sau để tạo ra sản phẩm du lịch riêng biệt, độc đáo, hấp dẫn du khách: yếu tố đầu tiên là khai thác “cẩm tú giang sơn” - những gì mà du khách có thể dùng các giác quan của mình để cảm nhận được vẻ đẹp của núi non sông nước, của sơn thủy hữu tình.
Yếu tố thứ hai ở một bậc cao hơn đó là dùng “địa linh nhân kiệt” - những yếu tố văn hóa phi vật thể, những câu chuyện lịch sử, những danh nhân, những giai thoại ngoài chính sử... lắng đọng, truyền từ đời này sang đời khác tạo nên những huyền thoại về đất và người nơi đây. Yếu tố thứ ba là đỉnh cao của việc níu giữ nhân tâm, không những làm cho du khách muốn đến và quay lại nhiều lần, mà còn trở thành “đại sứ du lịch” giới thiệu về điểm đến đó cho rất nhiều người khác đó là “dĩ tâm truyền tâm”.
Đà Nẵng là một trong những địa phương hội tụ đủ cả 3 yếu tố nói trên để trở thành một thành phố du lịch, thành phố đáng sống và đáng đến. Điều đó được thể hiện qua những danh hiệu mà các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế đã trao tặng cho Đà Nẵng trong những năm qua và là bảo chứng vàng cho thương hiệu du lịch của “thành phố đáng sống”.
Đà Nẵng là “thành phố đáng sống” bởi nhiều yếu tố, từ mảnh đất thấm đậm tình người, từ nụ cười thân thiện tỏa ra theo mỗi bước chân của du khách, cảnh sắc thiên nhiên phong phú hữu tình, sự hiện đại của thành phố bên bờ sông Hàn không ngừng “thay da đổi thịt” để vươn mình ra biển lớn ghi dấu vào lòng du khách khắp gần xa.
Covid-19 gây ra khó khăn nhất định cho ngành du lịch, rất nhiều anh chị em đồng nghiệp phải thay đổi nghề nghiệp để thích nghi, sinh tồn. Nhưng rồi, khi du lịch Việt Nam được “kích hoạt” trở lại, Đà Nẵng như hồi sinh, các doanh nghiệp dìu nhau, mọi thứ đã sẵn sàng để chào đón du khách trở lại, làm rộn ràng những con phố, náo nhiệt những khu chợ đêm, chen chúc nhau trên bãi biển tuyệt đẹp, những khách sạn, resort sáng trưng đèn, nhà hàng, quán ăn đông vui, cầu Rồng lại phun lửa, phun nước, những điểm tham quan đầy ắp những hàng xe du lịch nối đuôi nằm đợi khách, pháo hoa lại rực sáng bên bờ sông Hàn.
Điều đó cho thấy Đà Nẵng không chỉ là “thành phố đáng sống” của người dân địa phương hay người dân Việt Nam mà sẽ là “thành phố đáng sống và đáng đến” cho cả du khách gần xa, trong nước và quốc tế. Để du khách gần xa đến với Đà Nẵng nhiều hơn nữa, điểm mấu chốt của cạnh tranh du lịch đó là đội ngũ nhân sự lành nghề, với trình độ chuyên môn cao sẽ luôn có cơ hội phát triển rất lớn.
Trước tình hình mới, yêu cầu mới, những nhu cầu du lịch mới bắt buộc nguồn nhân lực du lịch phải không ngừng nâng cao, cập nhật tri thức mới, nắm bắt công nghệ - khoa học - kỹ thuật có liên quan đến ngành nghề, vững vàng về kiến thức chuyên môn và phát huy được những tố chất tốt đẹp của bản thân để tạo nên được thế cạnh tranh trong môi trường lao động nghề nghiệp hiện nay. Đầu tiên đó là yếu tố gắn kết lâu dài - niềm tin để biến nghề nghiệp thành sự nghiệp. Thứ hai là phương thức lãnh đạo, danh tiếng công ty và văn hóa doanh nghiệp.
Sau Covid-19, xu hướng “du lịch chậm, du lịch an toàn” và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững, khách du lịch ngày càng thuần thục. Do đó, nhân lực du lịch, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch, nhà quản lý du lịch... cũng sẽ thay đổi tư duy vận hành, quản trị, đầu tư hướng đến bền vững, có trách nhiệm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.
Với sự cam kết, tiếp tục đồng hành của chính đội ngũ nhân lực du lịch thành phố Đà Nẵng, chúng tôi phải luôn ý thức về vai trò của bản thân, luôn kiên trì, nỗ lực không ngừng, theo đuổi với quyết tâm cao cho thành tựu sự nghiệp của cá nhân và cho mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để Đà Nẵng thực sự là “thành phố đáng sống và đáng đến”.
THU HÀ ghi
Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com |