Huyện Hòa Vang thông tin kết quả kiểm tra xây dựng kè đá, đường qua sông Luông Đông

.

ĐNO - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn vừa ký công văn phản hồi thông tin kết quả kiểm tra thực tế (do UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra - theo văn bản) liên quan đến việc xây dựng kè đá, đường trên đập qua sông Luông Đông, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.

Theo kết quả kiểm tra, Khu du lịch (KDL) Lái Thiêu (nay là Green word) thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Bảo Ân, được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt quy hoạch; cấp phép xây dựng và đăng ký hoạt động kinh doanh ổn định tại thôn Phú Túc từ năm 2014 đến nay.

Đường bê tông và cầu sắt băng ngang qua sông do người dân tự xây dựng trước khi Công ty TNHH MTV Bảo Ân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người dân sử dụng tuyến đường này để đi qua sông phục vụ trồng rừng và vận chuyển sản phẩm thu hoạch; đồng thời, tuyến đường này phù hợp với vị trí quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) được UBND thành phố phê duyệt.

Đối với kè kiên cố dọc 2 bờ suối tại khu Róc Rách Glamping thuộc KDL Lái Thiêu, chủ đầu tư xây dựng theo hình thức xếp đá tự nhiên, ở giữa chèn mạch vữa xi-măng (không đổ bê tông) nhằm khắc phục bờ kè bị sạt lở do xảy ra lũ lịch sử vào tháng 10-2022, không phải xây dựng mới.

Tuy nhiên, việc khắc phục bờ kè bị sạt lở nói trên chưa được cơ quan chức năng cho phép nên UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp UBND xã Hòa Phú tiến hành xử lý theo quy định.

Liên quan đến các đập tràn, đường tràn xây dựng trên sông Luông Đông (xã Hòa Phú), năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với đại diện các sở, ngành, địa phương và các khu du lịch.

Tại buổi làm việc này, các cơ quan chức năng xác định, các đập tràn, đường tràn vẫn cho nước chảy qua tràn tự do nên các công trình này không cản trở dòng chảy và không gây thiếu nước cho hạ lưu.

Đường tràn (đường qua sông cho nước tràn tự do) qua sông Luông Đông tại KDL Lái Thiêu đã có từ trước năm 2003 do một đơn vị quân đội xây dựng trên cơ sở các đường dân sinh để làm đường phục vụ khai thác rừng trồng. Sau đó, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch đã có sẵn tuyến đường tràn.

Mặt khác, những đường tràn này có lắp đặt một số bi cống phía dưới để lưu thông dòng chảy nên dòng chảy của sông Luông Đông qua KDL này không bị cản trở. Đối với KDL Hòa Phú Thành, năm 2012, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng 2 đập tràn (cho nước tràn tự do) để phục vụ cho việc trượt thác; do dòng chảy qua KDL Hòa Phú Thành là dòng chảy qua đập tràn tự do nên không có việc tích nước, chặn dòng chảy. 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.