Chính trị - Xã hội

Hy sinh thầm lặng

13:47, 30/04/2023 (GMT+7)

Những ký ức về một thời chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng vẫn luôn được những người mẹ, người vợ của các chiến sĩ lưu giữ trong tim. Đó chính là ký ức của một thời chiến đấu oanh liệt để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm tháng không quên

Thương binh hạng 1/4 Phùng Thị Nữ chăm chuốt cho mảnh vườn nhỏ của mình. Ảnh: N.QUANG
Thương binh hạng 1/4 Phùng Thị Nữ chăm chuốt cho mảnh vườn nhỏ của mình. Ảnh: N.QUANG

Đến thăm gia đình liệt sĩ Huỳnh Phước Khả (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp được nghe thương binh hạng 1/4 Phùng Thị Nữ (SN 1945, vợ liệt sĩ Khả) kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt trên mảnh đất quê hương. Mảnh đất này cũng là nơi chứng kiến bà Nữ nhiều lần bị địch bắt, tiễn chồng ra chiến trường không trở về và che dấu các chiến sĩ dưới hầm trú ẩn trong suốt những năm tháng chiến đấu.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ bé, bà Nữ đã được cha mẹ giáo dục về lòng yêu nước. Khi còn trẻ, bà tham gia hoạt động cách mạng, giữ vai trò liên lạc để che giấu các chiến sĩ tại địa phương. Nhờ sự khéo léo, quả cảm của mình, nhiều lần bà đã giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng ẩn nấp thành công, thoát những trận càn của địch.

Trong những năm 1968 đến 1975, bà Nữ tham gia đội quân tóc dài để truyền tin, mở đường cho bộ đội về làng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt và tra tấn nhiều lần. Mặc dù chịu đau đớn, hành hạ, nhưng với ý chí quật cường, bà không hề hé răng một lời. Ký ức đáng nhớ nhất của bà Nữ là ở hai lần bị địch bắt giam, tra tấn khi đang mang thai con mình.

“Khi tôi mang thai các con được 6-7 tháng thì bị địch bắt. Chúng không chỉ đánh đập, mà còn bắt tôi uống nước xà phòng, dùng gỗ ép chặt vào bụng để tôi sảy thai. Bọn chúng cho rằng, khi đứa bé ra đời sẽ tiếp bước gia đình theo con đường cách mạng nên không muốn con tôi được sống”, bà Nữ kể.

Nhớ lại những năm tháng đó, bà Nữ không giấu được những giọt nước mắt. Những trận tra tấn đã để lại cho cho bà nhiều vết thương không thể chữa lành khi bị địch chặt đứt ngón 1 tay và lấy đi ánh sáng của một con mắt. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương lại đau buốt khiến bà Nữ không  thể quên những năm tháng gian khó ấy.

Chiến tranh còn cướp đi người chồng bà Nữ là liệt sĩ Huỳnh Phước Khả (SN 1945, hy sinh năm 1974). Ngày đó, ông tham gia cách mạng với vai trò là chiến sĩ biệt động. Năm 1968, ông bị địch bắt giam và tra tấn. Ông Khả bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống còn 25 năm tù khổ sai và bị đày ra Côn Đảo.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết cũng là lúc ông cùng các tù binh được trao trả. Sau khi trở về, mặc dù được đơn vị cho phép ra miền Bắc để chữa bệnh nhưng ông từ chối và xin ở lại chiến trường Khu 5 để tham gia chiến đấu. Ông đã anh dũng hy sinh năm 1974, nhưng gia đình không tìm được thi thể.

“Chồng tôi hy sinh khi 2 con trai tôi còn quá nhỏ, chúng chỉ được nghe về cha qua những câu chuyện kể lại. Thời điểm ông mất, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử nhưng không biết được nơi chôn cất. Nhiều năm sau, trong một dịp tình cờ các cựu chiến binh đến thăm nhà, một đồng đội cũ từng tham gia trận chiến đó đã nhìn thấy di ảnh trên bàn thờ của chồng tôi. Nhờ vậy, cả gia đình đã tìm được mộ phần và đón ông về”, bà Nữ tâm sự.

Con gái theo cha tham gia cách mạng

Với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tính (SN 1922, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), trải qua năm tháng chiến tranh, mẹ lại càng trân trọng những ngày tháng hòa bình. Chiến tranh đã cướp đi người chồng và cô con gái chỉ vừa tuổi đôi mươi, để lại trong mẹ Tính nỗi day dứt không bao giờ nguôi.

Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, liệt sĩ Trần Ngọc Phương (chồng mẹ Tính) hy sinh trong trận càn của địch. Góa chồng khi chỉ mới 29 tuổi, mẹ Tính nuốt nước mắt vào trong để nuôi 4 con khôn lớn và góp tiền nuôi quân để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của chồng. “Gia đình khi đó rất khó khăn, nhưng khi được động viên góp gạo nuôi quân, tôi đều tham gia. Khi đó bà con quanh đây nghèo vật chất, nhưng ai cũng nuôi chí lớn, quyết tâm cho ngày đất nước độc lập”, mẹ Tính kể.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tính ôm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Thị Hóa. Ảnh: N.QUANG
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tính ôm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Thị Hóa. Ảnh: N.QUANG
Đoàn Thanh niên phường Hòa Quý cùng các em học sinh thường xuyên thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tính. Ảnh: N.QUANG
Đoàn Thanh niên phường Hòa Quý cùng các em học sinh thường xuyên thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tính. Ảnh: N.QUANG

Ngày cha hy sinh, con gái lớn của mẹ (liệt sĩ Trần Thị Hóa) chỉ vừa lên 10. Chứng kiến nỗi đau của mẹ, chị Hóa nung nấu trong mình ý chí tham gia cách mạng để góp sức cho ngày hòa bình. Khi vừa lên 14, chị Hóa giấu gia đình tham gia tòng quân.

“Trước ngày tham gia cách mạng, nó (liệt sĩ Trần Thị Hóa) có xin tôi may 3 tấm áo mới. Nó là chị cả, cha mất sớm nên mọi việc trong nhà từ cơm nước đến chăm lo các em, nó đều đỡ đần mẹ. Thương con tuổi con gái mới lớn, tôi gom góp may cho con tấm áo mới. Ngày nhận áo, con vui mừng còn ôm tôi cảm ơn. Chiều đó, nó chào các em rồi đi biệt tăm. Tôi đâu biết, cái ôm đó lại là cái ôm chia ly”, mẹ Tính nhớ lại.

Gần 2 năm sau, cả gia đình nhận tin chị Hóa hy sinh, mẹ Tính như chết lặng. Hòa bình lập lại, gia đình mẹ Tính được địa phương hỗ trợ tìm hài cốt chị Hóa. Ngày tìm được chị, trong những di vật còn sót lại có 3 tấm áo mới được xếp ngay ngắn là món quà mẹ Tính tặng. Nhớ con, mẹ Tính mang về giặt giũ và cất cẩn thận.

“Ba tấm áo còn mới tinh, tôi giặt giũ sạch, mỗi khi nhớ con lại mang ra mặc. Nó đẹp gái lắm, dáng hình thanh mảnh, tôi chưa kịp cho nó được nhiều hơn. Tuổi 16 của con gái đẹp vậy mà…”, mẹ Tính nghẹn ngào, bỏ dở câu nói vì nỗi đau mất con vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng mẹ. Trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, ký ức về ngày giải phóng lại càng khắc sâu hơn trong tâm trí mẹ. Ngày nhận tin miền Nam giải phóng, mẹ thắp nén hương trầm báo tin cho chồng và con gái. “Tôi rất mừng, bởi những hy sinh của chồng và con mình cuối cùng đất nước cũng đã có được ngày độc lập”, mẹ Tính tâm sự.

Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của những người mẹ, người vợ đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cuộc đời và sự cống hiến cực kỳ to lớn đó sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thành phố hiện có hơn 17.568 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công hưởng trợ cấp thường xuyên theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, có 93 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 42 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 11 cán bộ lão thành cách mạng; 27 cán bộ tiền khởi nghĩa; 7.577 thương binh, bệnh binh; 1.300 người có công giúp đỡ cách mạng; 2.129 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học và 3.266 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…  Ngoài ra, thành phố còn có hơn 90.000 người có công với cách mạng hưởng trợ cấp một lần, 1.190 hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong và 3.118 hội viên Hội Tù yêu nước.

NGUYỄN QUANG

.