Xây dựng phương án ứng phó tổ hợp thiên tai

.

ĐNO - Ngày 25-4, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn  năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có phương án ứng phó hình thái tổ hợp thiên tai xảy ra tại thành phố, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua chủ động phòng, chống thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn năm 2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua chủ động phòng, chống thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn năm 2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm công tác đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản đúng quy định; rà soát phương tiện tàu thuyền đánh cá xa bờ, có kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc giữa người điều khiển phương tiện và cơ quan quản lý Nhà nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang phối hợp lập phương án sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn tại Âu thuyền Thọ Quang và các vị trí neo đậu tránh, trú bão khác khi Âu thuyền Thọ Quang bị quá tải vì âu thuyền này chỉ có công suất thiết kế neo đậu tránh, trú bão cho 700 tàu cá, nhưng có lúc cao điểm có đến 1.300-1.400 tàu.

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như bảo đảm nguồn thông tin dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời cho thành phố.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Công viên - Cây xanh thực hiện tốt công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh trên các tuyến đường theo phân cấp quản lý.

Khi có mưa và dự báo mưa lớn, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng trực chiến 100% tại các vị trí ngập lụt, nhất là tại các vị trí ngập lụt sâu để khi xảy ra ngập cục bộ thì xử lý ngay. Đồng thời, kiểm tra toàn bộ hệ thống trạm bơm chống ngập và hầm chui, phải bố trí công nhân trực vận hành, không để xảy ra tình trạng: Máy bơm hỏng, không có điện cho trạm bơm hoạt động, máy phát điện hỏng...   

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch khu vực, quy hoạch chi tiết, Sở Xây dựng cần chú ý đến việc thoát nước và cao độ nền một cách tổng thể. Đồng thời, đánh giá lại hệ thống thoát nước và đề xuất thành phố đầu tư những hồ điều tiết, tuyến cống thoát nước, nạo vét cống.

“Không chỉ sơ tán do ảnh hưởng của bão, mà còn lập phương án sơ tán do ngập lụt đô thị. Các quận, huyện đề xuất mua sắm bổ sung các xuồng cao su để phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra ngập lụt trong đô thị, đặc biệt là ứng cứu nhân dân ở các kiệt, hẻm hẹp.

Các địa phương cũng cần chú ý sửa chữa, nâng cấp các nhà sơ tán, tránh trú thiên tai tập trung để bảo đảm an toàn cho nhân dân vào trú, tránh khi có thiên tai xảy ra; đặc biệt, các địa phương nghiên cứu, đề xuất thành phố đầu tư xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh, trú thiên tai tập trung tại các khu đất để phục vụ cho nhân dân trong khu vực, nhất là các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

ông Nguyễn Văn Vỹ, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ông Nguyễn Văn Vỹ, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vỹ, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho rằng, trận ngập lụt lịch sử xảy ra vào ngày 14-10-2022 đã bộc lộ nhiều tồn tại trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.

Do đó, ngoài những giải pháp đồng bộ mà thành phố đã và đang triển khai, cần tiếp tục quan tâm công tác phòng ngừa, nhất là công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là công nhân, học sinh, sinh viên, ngư dân trên các tàu cá đánh bắt xa bờ để có kiến thức, kỹ năng ứng phó với bão lớn, lũ lớn, ngập lụt diện rộng như đã xảy ra trong năm 2022.

Bên cạnh đó, thành phố cần mở rộng công tác diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho huyện Hòa Vang và các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn...

Đồng thời, chủ động rà soát, bổ sung các kịch bản, phương án ứng phó với bão mạnh, kèm theo mưa lớn cực đoan để sẵn sàng, chủ động triển khai trong điều kiện, khả năng có thể trong năm 2023.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ Phạm Văn Chiến nhận định, trong mùa bão năm 2023, có khoảng 10-12 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ và có khoảng 1-3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết thành phố Đà Nẵng.

Tổng lượng mưa trong mùa mưa năm 2023 tại các địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng  thấp hơn 15-30% so với tổng lượng mưa mùa mưa năm 2022, nhưng phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong mùa mưa, tại thành phố có khả năng có từ 4-6 đợt mưa lớn diện rộng, xảy ra trong thời kỳ chính của mùa mưa bão (từ tháng 9 đến tháng 12).

Mùa lũ năm 2023, trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng khả năng xuất hiện 2-4 đợt lũ. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông thuộc lưu vực sông Vu Gia ở mức xấp xỉ báo động (BĐ) 3 đến trên BĐ 3; sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ ở mức BĐ 1 đến trên BĐ 2. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào tháng 10 và tháng 11.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.