Chính trị - Xã hội

Bác Hồ trong lòng dân đất Quảng

07:15, 19/05/2023 (GMT+7)

Tháng 5 lại về, câu thơ “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha” của nhà thơ Tố Hữu cứ văng vẳng. Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng đất có nhiều người con ưu tú được gặp Bác Hồ, được làm việc bên Bác, được Bác ân cần chỉ bảo như Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Lê Văn Hiến, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Thị Kim Cúc... Những kỷ niệm về Bác với họ luôn lắng sâu, lan tỏa.

Bà Trần Thị Kim Cúc gặp lại chiếc khăn kỷ niệm của mình đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5. Ảnh: T.H
Bà Trần Thị Kim Cúc gặp lại chiếc khăn kỷ niệm của mình đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5. Ảnh: T.H

Những kỷ niệm với Bác

Sách “Bác Hồ với đất Quảng” do Tỉnh ủy Quảng Nam chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, xuất bản năm 2000, là tập sách giới thiệu, trích lược các bài viết, bài thơ, thư của Người đề cập về một số vùng đất, sự kiện và nhân vật Đất Quảng; hồi ký, hồi tưởng của những người con Quảng Nam - Đà Nẵng đã được gặp Bác, làm việc với Bác hoặc chưa một lần gặp Bác những đã có nhiều tình cảm sâu nặng với Bác, khắc sâu hình ảnh Bác Hồ trong lòng dân đất Quảng... Tôi ấn tượng, khắc nhớ nhất là phần ghi hồi ký, hồi tưởng của những người con Quảng Nam - Đà Nẵng đã được gặp Bác.

Đó là kỷ niệm về Bác của cố Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến. Trong chuyến công cán đặc biệt đầu năm 1946, Bác Hồ giao trọng trách cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến, có nhiệm vụ đi kiểm tra, chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận Trung Bộ và Nam Bộ này. Trong hồi ký “Một chuyến công cán đặc biệt”, Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại, ngoài nhiệm vụ chính, Bác Hồ còn giao nhiệm vụ riêng: “Cố vấn Vĩnh Thụy hiện nay ở ngoài này một mình, khi Hà Nội, khi Sầm Sơn... Chú vào Huế gặp bà Nam Phương, nói tôi gửi lời thăm và mời bà và các con bà ra Hà Nội sống chung với ông Cố vấn. Chính phủ sẽ lo chu đáo chỗ ăn ở cho gia đình ông bà”.

Cố Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi, lúc còn sống là người cộng sự gần gũi của Bác Hồ, được Bác rất tin cậy), mất ngày 24-4-1947 khi đi công tác tại tỉnh Tuyên Quang. Trước đó 3 ngày, tức ngày 21-4-1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng lâm bệnh và mất tại Quảng Ngãi khi đang đi công cán. Trong tập “Nhật ký của một Bộ trưởng”, Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại việc này như sau: “Ngày 30-4-1947: 7 giờ tối bắt đầu họp Hội đồng Chính phủ. Ai nấy ngồi xếp ve quanh mấy chiếc chiếu trải dài, giữa để mấy ngọn đèn dầu... Hội đồng hôm nay có hai tin buồn: cái chết của cụ Huỳnh và Nam. Cụ (tức Bác Hồ) nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sĩ trong Chính phủ sau khi tất cả đều mặc niệm một phút. Mọi người đều cảm động trước cái chết đau thương của hai người trong lúc quốc dân đang cần nhân tài để đảm đương việc nước. Cụ Chủ tịch nói với một giọng rất đau đớn như mất một người anh và một người con vậy". Sau này, Bác Hồ đã gửi thư cho gia đình ông Hoàng Hữu Nam và theo chỉ thị của Bác, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến đã giúp vợ ông Hoàng Hữu Nam một số tiền để chi tiêu hằng ngày.

Tập sách “Bác Hồ với đất Quảng” còn kể lại những kỷ niệm của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình với hồi ký “Những kỷ niệm về Bác”, về lần gặp cuối cùng của bà với Bác Hồ, trong bữa cơm giản dị chỉ có một đĩa cá kho, một đĩa rau muống luộc, mấy trái cà pháo muối kiểu Nghệ và bát nước rau ngọt mát. Hay cảm giác tim đập mạnh, hồi hộp khi lần đầu được gặp Bác sau bao lần ao ước, khát khao được gặp Người của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam Võ Chí Công vào tháng 3-1953 tại an toàn khu. Đó là hình ảnh ấn tượng khi lần đầu thấy Bác Hồ bằng da bằng thịt đến thăm hỏi, động viên mình của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Lý khi đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô vào tháng 11-1958...

"Như mới thấy Bác hôm qua"

Gặp bà Trần Thị Kim Cúc, người nhiều lần được gặp Bác Hồ, nghe hồi ức về bà, những tưởng “chuyện đã cũ”. Nhưng, mỗi lần nghe bà kể chuyện, hồi tưởng những lần gặp Bác của bà, vẫn luôn tạo xúc cảm mãnh liệt. Dường như kể về Bác, cảm hứng về Bác luôn là bất tận, không bao giờ nhàm chán, kể cả người trong cuộc và người nghe.

Chiều 12-5-2023, sau buổi dâng hương, báo công dâng Bác đầy trang nghiêm và xúc động của cán bộ, đoàn thể, đoàn đội phường Thuận Phước (quận Hải Châu), một buổi gặp mặt với nhân chứng sống là Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Kim Cúc được tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5. Kỷ niệm về những lần gặp Bác được bà Cúc hồi tưởng, sống động và đầy xúc cảm, như bà mới gặp Bác hôm qua.

Bà Trần Thị Kim Cúc, nguyên là Đội trưởng Đội công tác đặc biệt thành Đà Nẵng, người chỉ huy trận đánh bọn cố vấn Mỹ tại bán đảo Sơn Trà năm 1962, người từng nhiều lần bị địch bắt và tra tấn đến chấn thương sọ não. Bà là nữ biệt động “thép”! Trong những kỷ niệm ấy, có lẽ ấn tượng với người nghe là về câu chuyện trong buổi chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, khi bà Cúc được vào Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng Bác Hồ. Trong khí trời cuối năm se lạnh, bà Cúc khi tiếp nhận tin được xe đón vào thăm, gặp và ăn cơm với Bác Hồ, đã vội đi ngay.

“Thấy tôi ăn mặc phong phanh, Bác nhắc nhở phải giữ gìn sức khỏe, nhất là với người đang mang các vết thương nặng như tôi. Rồi Bác lấy chiếc khăn có hai màu biểu trưng cho hai miền Nam Bắc đang quàng trên cổ, vận vào cổ tôi, bảo cháu quàng cho ấm. Nhắc đến chiếc khăn ấy, tôi như còn ngửi thấy hơi ấm của Người vào tâm trí tôi, vào cơ thể tôi ngày ngày, chẳng thể nào quên được”, bà Cúc nhớ lại. Sau này bà đem chiếc khăn hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5 lưu giữ.

Một chi tiết bà Cúc kể với tôi, sau lần điều trị ở nước ngoài trở về, bà cùng bà Mười Đồng Tháp (một chiến sĩ cách mạng miền Nam, quê ở Mỹ Tho, bị thương được đưa ra Hà Nội và nước ngoài điều trị cùng bà Cúc), được vào Phủ Chủ tịch thăm, ăn cơm cùng Bác Hồ. “Trong bữa cơm, khi gắp thức ăn cho chị Mười, Bác làm rơi một cọng hành. Bác gắp lại cọng hành ấy bỏ vào chén mình. Chị Mười khẽ kêu “Bác ơi!”...

Dòng hồi ức của bà Cúc ùa về, kéo theo bao cặp mắt, khuôn mặt dõi theo lời kể, như muốn uống hết từng câu, từ, từng cử chỉ diễn đạt. “Mỗi lần nhắc đến Bác là tôi cứ run lên, cứ hồi hộp, cứ sung sướng như vỡ òa cảm xúc nghẹn ngào, như thấy Bác mới hôm qua đây thôi”, bà Cúc nói.

TRỌNG HUY

.