Thời sự và bàn luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức liêm chính của cán bộ, công chức

07:14, 19/05/2023 (GMT+7)

Với tư cách là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta và trên cương vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết vào tháng 10-1947 với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi việc” và nhấn mạnh: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tốt hay kém ở đây không chỉ là đánh giá về năng lực công vụ mà còn và chủ yếu là đánh giá về đạo đức công vụ.

Vào tháng 5 -1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 76/SL về Quy chế công chức Việt Nam; trong đó có nhiều quy định về năng lực công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” (Điều 2).

Khi đề cập về năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài, nhưng xem đức là gốc và xem gốc của đức là liêm chính. Người quan niệm liêm chính không phải là phẩm chất đạo đức của riêng cán bộ, công chức. Trong tác phẩm Đời sống mới viết vào tháng 3 - 1947 với bút danh Tân Sinh, Người nêu rõ: “Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy, cho nên ai cũng phải liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập, thế là chính”. Hay trong bài Thế nào là liêm với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu Quốc, Người so sánh cách hiểu về đức liêm trong chế độ quân chủ ngày xưa và chế độ dân chủ ngày nay: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải liêm”.

Ai cũng phải có đức liêm chính, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cán bộ, công chức, “những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu”. Người lý giải sở dĩ như vậy là do xuất phát từ nguy cơ tha hóa quyền lực trong công vụ: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” và cũng do xuất phát từ yêu cầu cán bộ, công chức phải nêu gương sáng: “Cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”, hoặc “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”. Ngược lại nếu cán bộ, công chức không giữ được mình dẫn đến hành động bất liêm, “làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước” (Sắc lệnh số 76/SL) thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Trong bài Thế nào là liêm vừa dẫn trên, Người đòi hỏi: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Còn nhớ vào tháng 10 - 1946, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã khẳng định: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết (…) Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm (…) Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng nói chung và về văn hóa liêm chính nói riêng. Không ai nói nhiều, viết nhiều về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng không ai nói về văn hóa liêm chính của cán bộ, công chức một cách cặn kẽ và sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc công bố vào năm 1969, Người vẫn luôn đau đáu về việc làm thế nào để xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), càng suy ngẫm về những lời dạy của Người về liêm chính và văn hóa liêm chính, càng thấy rõ văn hóa liêm chính là một nội dung cốt lõi trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu tháng 4 vừa qua, khi tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hơn 4.000 đại biểu là cán bộ chủ chốt các cấp trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công người viết bài này giới thiệu chuyên đề “Văn hóa liêm chính”, cũng là một nội dung quan trọng trong cuốn sách của Tổng Bí thư.

BÙI VĂN TIẾNG

.