Chính trị - Xã hội
Bác nhớ miền Nam…
Trong những tháng năm đất nước còn chia cắt hai miền, tình cảm với miền Nam đã trở thành nỗi niềm đau đáu của đồng bào miền Bắc, khắp các tầng lớp nhân dân, từ cụ già đến em nhỏ. Câu khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” đã trở thành phương châm sống, thành mục tiêu thúc giục trái tim của quân và dân miền Bắc mỗi ngày. Có thể nói, kết tinh sâu sắc cho tình cảm Bắc Nam, chính là tình cảm của Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ Tố Hữu đã diễn đạt thật sâu sắc, cô đọng và chính xác tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Nam và tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha…
Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, ngày 5-3-1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Ôn lại những trang sử cuộc đời Bác, thuở thiếu thời, mới lên 5 đã theo cha mẹ rời ngôi nhà thân yêu tại làng Chùa (Hoàng Trù) ở Nghệ An vào Huế. Năm 11 tuổi (1901) về quê chịu tang mẹ, sau đó học chữ Hán ở quê và học chữ Pháp ở trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh khoảng 6 năm. Chỉ mấy năm ngắn ngủi sống ở quê hương Nghệ An, sau đó Người đã lại cùng anh trai theo cha rời quê hương vào Huế, nhân dịp cụ Nguyễn Sinh Huy vào kinh đô nhận chức thừa biện bộ Lễ. Và cứ thế, Người tiếp tục đi về phương Nam, qua Quy Nhơn, Phan Thiết, vào Sài Gòn. Đến năm 21 tuổi (1911), Người chính thức rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước, trên bến nhà Rồng, tìm con đường cách mạng đúng đắn nhất để cứu dân cứu nước. Thành phố Sài Gòn đã thay mặt cả nước đưa tiễn Bác. Cho đến khi qua đời, 59 năm, Người không có dịp trở về nơi mình ra đi. Đây có lẽ là nỗi day dứt khôn nguôi trong đáy sâu tâm hồn Bác. Làm sao có thể diễn đạt hết nỗi nhớ miền Nam, nỗi “nhớ nhà” của Bác. Đó thực sự là một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng vô cùng.
Nỗi nhớ miền Nam của Bác, bên cạnh những hình ảnh về thiên nhiên, con người, trên hết vẫn là trăn trở về sự hy sinh anh dũng, chịu đựng muôn vàn gian khó hy sinh của đồng bào, đồng chí. Người từng tâm sự: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(1). Năm 1963, khi được tin Quốc hội tặng thưởng huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác đã cảm ơn Quốc hội và nói: “Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam”. Và Người đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”(2).
Lịch sử từng ghi lại: Năm 1965, trong thư gửi đồng chí Lê Duẩn, Bác đề nghị bố trí để Bác vào Nam bằng đường biển; sau đó, Bác lại đề nghị bố trí cho Bác đi bộ qua đường Trường Sơn. Và ngày ngày Bác tập đi bộ, leo dốc... để thực hiện ý định của mình. Tuy nhiên, Trung ương chưa thể bố trí được vì sức khỏe Bác không đảm bảo. Để bù lại nỗi nhớ miền Nam của Bác, hễ có đoàn đại biểu cán bộ miền Nam, nhất là đoàn các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra Bắc, Trung ương lại bố trí đến thăm Bác, có những người được dùng cơm với Bác như thể người thân trong gia đình.
Trong nỗi nhớ miền Nam của Bác, có hình ảnh vùng đất và con người xứ Quảng, mặc dầu đây chỉ là trạm dừng chân ngắn ngủi trong hành trình xuyên Việt của Bác những năm ở độ tuổi hai mươi. Gặp gỡ những người con xứ Quảng ra thăm miền Bắc, Bác đều nhắc lại kỷ niệm trước khi vào Sài Gòn xuống tàu ra nước ngoài đi tìm đường cách mạng, Bác có nghỉ lại Đà Nẵng hai ngày. Bác có đi thăm một số nơi. Bác còn nhớ Đà Nẵng có thuốc lá Cẩm Lệ, có chả cá, bún bò ngon lắm…Đặc biệt là tình cảm yêu thương đằm thắm với những anh hùng, dũng sĩ miền Nam là những người đang trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi được tin chị Trần Thị Lý từ nhà tù Mỹ - Diệm, từ cõi chết trở về trong vòng tay miền Bắc, vào một ngày mùa đông năm 1958, Bác Hồ đã trực tiếp vào thăm chị tại bệnh viện Việt - Xô với niềm xúc động, cảm thương sâu sắc. Nhiều anh hùng, dũng sĩ người Quảng Nam - Đà Nẵng như Trần Dưỡng, Huỳnh Thúc Bá, Hồ Thị Thu, Trần Thị Kim Cúc… đã từng được gặp Bác, được Bác trực tiếp thăm hỏi ân cần, như một người cha với những đứa con thân yêu.
Bác cũng không quên tiếp chuyện và hỏi thăm cuộc sống, sáng tác của văn nghệ sĩ trên chiến trường miền Nam. Nhà văn Phan Tứ khi ở chiến trường ra Bắc cũng đã được Bác cho mời đến Phủ Chủ tịch gặp Bác cùng với nhà văn Trần Đình Vân, khi cuốn truyện “Sống như Anh” viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của ông được xuất bản. Đó là những dấu ấn kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm khảm các chị, các anh. Có cả những câu chuyện độc đáo mà chỉ riêng đồng bào, chiến sĩ huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) mới có. Đó là sự kiện Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời kỳ chiến đấu chống Mỹ, Bác Hồ đã cho mời đồng chí Mai Ngọc Châu, Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang lúc ấy đến để báo cáo trực tiếp cho chính Bác và một số đồng chí Bộ Chính trị nghe trọn một ngày về tình hình bà con Hòa Vang sống và chiến đấu như thế nào trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Buổi trưa được ăn cơm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được bố trí nghỉ lại ngay tại nơi làm việc của Bác để chiều tiếp tục báo cáo. Thật là vinh dự hiếm hoi, là nguồn động viên to lớn với đồng bào, chiến sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nghĩ về tình cảm của Bác với miền Nam, có lẽ không lời nào gây xúc động mọi trái tim người con nước Việt hơn, khi Người đặt tay lên ngực mình và nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Câu nói đầy tình cảm sâu nặng của Bác đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu, vượt qua mọi hy sinh gian khổ để làm sao nhanh chóng tiến đến ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, để miền Nam được gặp Bác, để trái tim Bác bớt đi “nỗi lo dân nước, nỗi năm châu”. Và lịch sử đã chứng minh, đáp lại tình cảm của Bác, quân và dân hai miền Nam Bắc đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một mùa Xuân sum họp như lời thơ của Bác: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
NẠI HIÊN
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.4,
tr.419
2. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 11, tr.62