Chính trị - Xã hội
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tán thành việc sửa đổi Luật Công an nhân dân và các luật liên quan
ĐNO - Chiều 27-5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tổ về Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì họp tổ số 8 với các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Sóc Trăng và Bình Định.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu kết luận buổi thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Các đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung các luật nêu trên, cho rằng đây là sự cấp thiết trong điều kiện hiện nay.
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tán thành việc sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đại biểu Cường, thực tế trên cơ sở áp dụng các quy định việc ứng dụng công nghệ số thì những sửa đổi này tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý và thuận lợi hơn trong việc xin cấp hộ chiếu của công dân. Đồng thời, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của đa số cử tri, nhất là cử tri hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch.
Vì vậy, đại biểu Trần Chí Cường đánh giá cao quyết tâm, trách nhiệm của Bộ Công an trong việc sửa đổi, trong đó đặc biệt là việc mở rộng cấp visa cho các nước vùng lãnh thổ, nhằm thu hút, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội. Đây là nút thắt mà lâu nay đang vướng trong việc phát triển du lịch, qua đây sẽ tạo điều kiện đi lại.
Theo đại biểu Cường, việc mở rộng thời gian lưu trú sẽ tăng tỉ lệ khách tự đi vào Việt Nam tham quan du lịch và các mục đích khác, kéo theo gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Để gánh vác một phần khó khăn này, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị trong tổ chức thực hiện Luật, ở phần phân công trách nhiệm, cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn về cho các địa phương, đặc biệt là công an địa phương trong quản lý. Đơn cử như việc cấp hộ chiếu, gia hạn visa tạm trú cho khách du lịch…
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân, đại biểu Cường thống nhất việc tăng tuổi hưu của Công an nhân dân, việc phong cấp hàm. Đây là việc cần thiết và cấp thiết, tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn việc áp dụng phương pháp, mốc thời gian, lộ trình tăng tuổi trong dự thảo.
Đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) nhất trí cao về sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân; khẳng định Luật đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo đại biểu Trần Đình Chung, ở Luật hiện hành, độ tuổi phục vụ của Công an nhân dân thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác. Do đó, việc bổ sung, sửa đổi Luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc và để phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, việc tăng tuổi hưu trong lực lượng Công an nhân dân sẽ tận dụng được những kinh nghiệm, nhất là đối tượng có trình độ, nghiệp vụ cao; tận dụng được cả về trình độ, kinh nghiệm, lý luận, thực tiễn trong công tác tham mưu, phòng ngừa, xử lý; khắc phục được phần nào việc thiếu biên chế của công an các địa phương hiện nay và khắc phục được nguồn lực, sức lao động khi nghỉ hưu sớm, tránh lãng phí..
Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong tổ, khẳng định đây là những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, tổ sẽ tổng hợp đầy đủ để chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu.
N.PHÚ – VŨ HƯNG