Chính trị - Xã hội
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật
ĐNO - Người khuyết tật (NKT) ở Đà Nẵng chiếm gần 1% dân số của thành phố. Để giúp họ có cuộc sống ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, độ bao phủ rộng chứ không chỉ là hỗ trợ về mặt vật chất.
Cần chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người khuyết tật. |
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thu Hương, hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 13.000 NKT nặng, đặc biệt nặng và gần 2.000 hộ gia đình, cá nhân chăm sóc NKT đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng với kinh phí hơn 94 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm trợ giúp NKT, như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ lương thực, quà Tết, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, sửa chữa điện, nước, công trình vệ sinh... NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa được xem xét đưa vào nuôi dưỡng chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Thành phố hỗ trợ học nghề miễn phí cho NKT với hình thức kèm nghề đặc thù thông qua các hội; các địa phương triển khai nhiều sàn giao dịch việc làm định kỳ lồng ghép trợ giúp NKT thuận lợi tiếp cận học nghề, tìm kiếm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên hỗ trợ cho NKT vay vốn bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo. Đồng thời, các cấp ngành nỗ lực kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án, đề án trợ giúp NKT, lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thông qua hoạt động của các Hội, đoàn thể hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng thường xuyên, hỗ trợ phương tiện sinh kế, vốn vay, dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT.
Bên cạnh đó, các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật cho trẻ từ 0-6 tuổi, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được thành phố triển khai đầy đủ; công tác giáo dục học sinh khuyết tật không ngừng được nâng cao. Thành phố cũng thực hiện đảm bảo chính sách miễn giảm giá vé cho NKT khi tham gia các dịch vụ giao thông công cộng, tham quan, du lịch, thể dục thể thao, đảm bảo lối tiếp cận cho NKT trên các lĩnh vực giao thông, công trình công cộng…
Sau khi bị tai nạn lao động năm 2018, anh Đặng Văn Hồng Tới, thường trú tại tổ 27, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) là NKT nặng, được hưởng chính sách hỗ trợ 600.000 đồng/tháng. Sự hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho bản thân anh cũng như gia đình. Tuy nhiên nhiều NKT như anh Tới chắc hẳn có mong muốn được thành phố quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống cũng như khẳng định bản thân, tiến tới giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng xã hội.
Anh Đặng Văn Hồng Tới chia sẻ: “Mình mong muốn được thành phố, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bản thân được vay vốn để thuê mặt bằng, đồ nghề để đảm bảo công việc sửa chữa điện tử, điện gia dụng được thuận lợi, công việc ổn định, mang lại thu nhập để lo cho bản thân và gia đình được ổn định, bền vững hơn”.
Tuy nhiên, để đảm bảo trợ giúp NKT được hiệu quả hơn trong thời gian đến, thành phố cần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức, không phân biệt đối xử người khuyết tật nhằm tránh sự tự ti mặc cảm đối với NKT; nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong hỗ trợ người khuyết tật; các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh… tạo điều kiện tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc giúp họ ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật hợp lý, nhất là người khuyết tật nhẹ, người khuyết tật trong độ tuổi lao động, độ tuổi học sinh, sinh viên nhưng không đến trường học tập nhằm kịp thời trang bị nghề để họ có điều kiện tìm kiếm việc làm hoặc tự mình tạo việc làm thuận lợi, góp phần giảm thiểu sự cung cấp, hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho nhóm người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Thành phố thực hiện hỗ trợ và vận động các tổ chức, dự án, cộng đồng hỗ trợ phương tiện sinh kế để người khuyết tật thực hiện sinh kế, đảm bảo cuộc sống hằng ngày ngay chính tại nhà, cộng đồng dân cư mình sinh sống.
Đồng thời xây dựng các thiết chế để người khuyết tật được tiếp cận, tham gia đầy đủ và thụ hưởng các dịch vụ xã hội ngay chính tại cộng đồng nơi cư trú, đặc biệt là dịch vụ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn tâm lý, cách chăm sóc sức khỏe… Thực hiện tốt mô hình chi trả (công và tư) cho các dịch vụ chăm sóc để đa dạng hóa nguồn thực hiện hệ thống chăm sóc…
Thành phố cần có chính sách hỗ trợ về thuế, giảm tiền thuê mặt bằng đối với những doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật để động viên, khuyến khích. Có như vậy mới có thể hỗ trợ người khuyết tật có việc làm phù hợp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội
LINH ĐAN