Chính trị - Xã hội

Số ngày nắng nóng năm 2023 xuất hiện nhiều hơn năm 2022

06:52, 17/05/2023 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính trong các tháng từ 5 và 6-2023, sau đó trong nửa cuối năm 2023 có khả năng chuyển sang pha nóng (El Nino) với xác suất khoảng 70 - 80% và có thể kéo dài sang năm 2024.

Nhiệt độ tăng cao, người dân Thủ đô khi ra ngoài thường mặc kín mít để tránh nóng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Nhiệt độ tăng cao, người dân Thủ đô khi ra ngoài thường mặc kín mít để tránh nóng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nền nhiệt độ các tháng trong năm 2023 được dự báo có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022.

Nhận định về nắng nóng trong những ngày tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, nắng nóng tập trung vào ngày 17 và các ngày từ 21 đến 23-5, với nhiệt độ cao phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C; trong đó khu vực vùng núi phía Tây, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi là vùng nắng nóng gay gắt nhất với nhiệt độ phổ biến từ 38 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C.

"Đây là đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất từ đầu năm đến nay ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ", ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.

Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng và hiệu ứng gió phơn, từ ngày 16-5, ở khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, một số nơi ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Từ ngày 17-5 trở đi, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở cả Bắc Bộ, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo tác động do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11 - 14 giờ hằng ngày. Nếu có việc bắt buộc ra ngoài, phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt; sử dụng kem chống nắng có chỉ số từ SPF 30+ và khả năng chống tia cực tím bất kể khi nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhất là những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng trực tiếp.

Đặc biệt, người lớn cần chú ý bảo vệ cho trẻ em do da trẻ em non nớt và dễ tổn thương. Nếu để trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về da cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành.

Theo Báo Tin tức

.