Tháo gỡ những bất cập trong quy định phòng cháy, chữa cháy

.

Việc siết chặt và tăng cường các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết, giúp giảm rủi ro cháy nổ và nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc yêu cầu cao trong các quy định và áp dụng cứng nhắc cũng xuất hiện các bất cập, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và gia tăng chi phí về phòng cháy, chữa cháy.

Diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với công trình nhà cao tầng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với công trình nhà cao tầng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gặp khó

Qua tìm hiểu được biết, dù trước đó nhiều doanh nghiệp được cấp chứng nhận thẩm định và phê duyệt, thiết kế về PCCC, nhưng khi áp dụng theo quy định mới thì không đáp ứng được. Vì vậy, phải chỉnh sửa, làm lại hệ thống PCCC, gây tốn kém cho doanh nghiệp…

Ông B.T.T, giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn quận Cẩm Lệ, cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục thay đổi, gây khó cho cơ sở, doanh nghiệp. Chỉ trong vòng 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định.

Hiện nay, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC&CNCH tập trung ở việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thẩm duyệt thiết kế; nghiệm thu về PCCC; việc trang bị các giải pháp an toàn PCCC… Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố cho biết, với các quy định mới, hầu hết cơ sở karaoke được xây dựng trước đó đều không đủ điều kiện về an toàn PCCC.

Trong khi đó, việc sửa chữa, cải tạo gặp nhiều khó khăn do liên quan đến kết cấu nhà. Theo bà V.T.A.T, chủ một cơ sở karaoke trên đường Ngô Văn Sở (quận Liên Chiểu), các cấp, ngành cần có sự thay đổi, điều chỉnh quy định an toàn PCCC theo hướng nới lỏng, không quá cứng nhắc.

“Thay vì quy định cầu thang này cách cầu thang kia 1/3 đường chéo của nhà và cách nhau 10m thì có thể “châm chước” hai cầu thang cách nhau 6-8m. Bởi đối với cơ sở xây dựng theo quy định trước đó, muốn cải tạo, sửa chữa còn phải dựa vào kết cấu nhà”, bà T. mong muốn.

Nhiều cơ sở karaoke dù liên tục sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn không theo kịp quy định về an toàn PCCC nên buộc phải ngừng hoạt động. Theo ông H.N.C, chủ một cơ sở karaoke trên địa bàn quận Thanh Khê, sau gần 3 năm chống chọi với dịch bệnh, nhiều cơ sở “gượng dậy” vay mượn tiền sửa chữa nội thất, âm thanh...

Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động trở lại thì bị “tuýt còi” do không bảo đảm an toàn PCCC theo quy định mới. “Mong các cấp, ngành rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện và thời gian sửa chữa, cải tạo, đưa vào hoạt động trở lại”, ông C. nói.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an thành phố, qua quá trình rà soát, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện nhiều công trình, cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng chống cháy, nổ theo quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, buộc phải tạm dừng hoạt động, làm gián đoạn hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

Qua số liệu thống kê, rà soát, trên địa bàn thành phố còn hơn 220 cơ sở đang tồn tại, vi phạm khó có khả năng khắc phục về lối thoát nạn, việc trang bị hệ thống chữa cháy, hệ thống báo cháy, công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy lan…

Thượng tá Trần Văn Hướng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết hiện nay một số khu công nghiệp nằm trong chủ trương di dời, chuyển đổi công năng của UBND thành phố. Vì vậy, các công trình nằm trong đó rất khó khăn trong việc xin cấp phép đầu tư mới nên không thể khắc phục các tồn tại thiếu sót được chỉ ra trong các đợt kiểm tra về PCCC&CNCH.

Các cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, một số công trình trường học được xây dựng trước đây nằm trong khu dân cư không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC đối với các công trình lân cận. Theo quy định tại bảng E.3 QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng, khoảng cách yêu cầu hơn 6m khi xác định theo đường giới hoặc đường quy ước.

Yêu cầu về khoảng cách PCCC đối với quỹ đất khó thực hiện đối với các trường học nằm trong khu dân cư tại trung tâm thành phố. Để khi công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì phải có ngăn cháy để thay thế, giảm khoảng cách an toàn PCCC như sử dụng tường ngăn cháy... làm tăng kinh phí đầu tư và khó thực hiện.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố. Ảnh: L.H
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố. Ảnh: L.H

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn trong lĩnh vực PCCC do có quá nhiều văn bản dẫn đến tình trạng các công ty tư vấn thiết kế, chủ đầu tư khó cập nhật được chính xác. Đồng thời tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay các bộ, ngành đưa ra thiếu thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện...

“Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã có các văn bản chỉ đạo không gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, linh động tạo điều kiện cho doanh nghiệp bổ sung phương án PCCC mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cơ sở hoạt động tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy chuẩn tại thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu quy chuẩn mới có điều gì hơp lý hơn thì có thể áp dụng. Đồng thời, Bộ Công an cũng ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC”, Thượng tá Trần Văn Hướng cho biết.

Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công an thành phố đã ban hành công văn về việc rà soát khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC để triển khai thực hiện. Trong đó, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan, công an các quận, huyện tổ chức rà soát, phân loại cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC đối với các cơ sở, dự án, công trình. Qua đó, phân loại những trường hợp nào khó có khả năng khắc phục và hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh…

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức hai buổi đối thoại với đại diện hơn 200 chủ doanh nghiệp, cơ sở; hướng dẫn tháo gỡ 8 công trình liên quan đến sử dụng sơn chống cháy để tăng giới hạn chịu lửa cho kết cấu theo; hướng dẫn 39 công trình thực hiện khắc phục tồn tại liên quan đến nghiệm thu về PCCC; hướng dẫn ban quản lý đầu tư xây dựng tại 7 quận, huyện khắc phục tồn tại về PCCC tại các cơ sở giáo dục chưa được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC. Đồng thời, thành lập tổ công tác trực tiếp làm việc, hướng dẫn một số cơ sở, dự án, công trình còn tồn tại về PCCC. Đến nay, đã thực hiện đối với 105 cơ sở giáo dục và đang tiến hành kiểm tra, hướng dẫn 122 cơ sở karaoke...

Công an thành phố cho biết, sẽ căn cứ từng trường hợp cụ thể và quy định về PCCC đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về PCCC, đặc biệt đối với các tồn tại, khó khắc phục được, như: thang bộ thoát nạn, hành lang, khoảng cách an toàn PCCC...

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp; nghiên cứu soát xét, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan về PCCC cho nhà và công trình bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, phù hợp với tình hình Việt Nam.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.