Chính trị - Xã hội

Triển khai hệ thống quan trắc, cảnh báo triều cường

12:38, 11/05/2023 (GMT+7)

Trước tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, UBND thành phố thống nhất, cho phép Công ty CP NetPlus lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc, cảnh báo triều cường trong cộng đồng tại khu vực đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Công trình này khi đưa vào hoạt động không chỉ cảnh báo ngập lụt mà còn giúp cho nhiều cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương theo dõi, nhận định tình hình để phục vụ công tác chống ngập, ứng phó ngập lụt...

UBND thành phố thống nhất, cho phép Công ty CP NetPlus lắp đặt thử nghiệm hệ thống cảnh báo triều cường trong cộng đồng tại khu vực đường Như Nguyệt. Trong ảnh: Đường Như Nguyệt bị ngập nước do triều cường vào đêm 19-10-2022, dù trời không mưa. Ảnh: H.H
UBND thành phố thống nhất, cho phép Công ty CP NetPlus lắp đặt thử nghiệm hệ thống cảnh báo triều cường trong cộng đồng tại khu vực đường Như Nguyệt. TRONG ẢNH: Đường Như Nguyệt bị ngập nước do triều cường vào đêm 19-10-2022, dù trời không mưa. Ảnh: H.H

Những năm qua, một số khu vực trên địa bàn thành phố đã nhiều lần bị ngập úng cục bộ do xảy ra mưa lớn ngay trong thời điểm triều cường hoặc nước biển dâng, sóng cao do bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động gần bờ, nhất là trận ngập lụt lịch sử trên diện rộng xảy ra vào ngày 14-10-2022.

Tuy nhiên, tối và đêm 19-10-2022, dù trên địa bàn thành phố không mưa, nhưng triều cường kết hợp sóng lớn do ảnh hưởng của bão số 6 ở gần bờ và gió mùa đông bắc đã gây ngập nhiều đoạn đường ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu). Theo đó, một số đoạn vỉa hè đã bị ngập, chỉ cần nước dâng cao thêm 10-20cm nữa là tràn vào nhiều nhà dân. Do chưa có kinh nghiệm ứng phó triều cường khi trời không mưa nên chính quyền địa phương không khỏi lúng túng vì không biết được nước có còn dâng cao thêm nữa hay không để thông báo cho người dân kê cao đồ đạc, tránh bị ngập vì không có các bản tin cảnh báo triều cường cụ thể.

Vì vậy, bên cạnh chỉ đạo các lực lượng giăng dây, đặt các rào chắn tại các đoạn đường, vị trí ngập sâu, nguy hiểm để hạn chế người và các phương tiện giao thông di chuyển vào nhằm bảo đảm an toàn. Chính quyền địa phương bố trí người theo dõi mực nước triều cũng như bố trí lực lượng ứng trực để sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ các hộ dân kê cao đồ đạc.

Trước đó, đêm 27-9-2022 và rạng sáng 28-9-2022, do không có hệ thống quan trắc, cảnh báo triều cường ven biển nên các thành viên trực tại Ban chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó bão số 4 (Noru) phải xem hình ảnh từ hệ thống camera ở ven biển để theo dõi nước biển dâng khi bão Noru di chuyển vào gần bờ lúc triều cường đạt đỉnh.

Giám đốc Công ty CP NetPlus Dương Văn Tuấn cho rằng, rất cần thiết phải có hệ thống quan trắc và cảnh báo triều cường cho khu vực dân cư ven biển vì nước dâng do triều cường hết hợp mưa lớn đã từng gây ngập úng trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng. Mặt khác, mực nước dâng do mưa bão tại từng địa bàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mực nước triều, lượng mưa, địa hình khu vực, địa hình vùng bờ... Nên các dự báo không thể sát với diễn biến thực tế tại địa phương, đòi hỏi phải có số liệu quan trắc ngập lụt thực tế tại địa bàn hoặc khu vực lân cận để các cấp chính quyền cũng như người dân chủ động nắm bắt tình hình và có các biện pháp chủ động ứng phó.

Trong giai đoạn 1, hệ thống quan trắc và cảnh báo triều cường có 3 thành phần chính: trạm quan trắc, trạm cảnh báo, máy chủ. Trạm quan trắc được bố trí tại ven biển, liên tục thu thập số liệu mực nước dâng và truyền về máy chủ 10 phút/lần qua sóng di động (trạm được cung cấp nguồn điện mặt trời và ắc-quy dự phòng). Các trạm cảnh báo gồm loa, đèn cảnh báo được đặt trên các cột đèn điện chiếu sáng trong khu dân cư hoặc vị trí nhiều người qua lại và phát cảnh báo với nội dung và cấp độ theo điều khiển từ máy chủ thông qua sóng di động (trạm sử dụng chung hạ tầng và nguồn điện với hệ thống đèn chiếu sáng).

Một máy chủ được đặt tại trung tâm dữ liệu, hoạt động liên tục, kết nối các trạm quan trắc và trạm cảnh báo qua sóng di động. Thông tin cảnh báo ngập cũng được kết nối đến các hệ thống chính quyền điện tử để gửi thông tin thông báo cảnh báo và phục vụ công tác quản lý, điều hành...

Trong giai đoạn 2, hệ thống quan trắc và cảnh báo triều cường được mở rộng, kết nối với cơ quan khí tượng thủy văn và xây dựng phần mềm thu thập dữ liệu triều cường, đưa ra các mức cảnh báo triều cường theo chu kỳ 10 ngày, 7 ngày, 3 ngày.

Ngày 31-3-2023, Văn phòng UBND thành phố đã ban hành thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho phép Công ty CP NetPlus lắp đặt thử nghiệm hệ thống cảnh báo triều cường trong cộng đồng mà công ty tặng tại khu vực đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước).

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương triển khai các lựa chọn vị trí, thực hiện các thủ tục liên quan đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo triều cường...

HOÀNG HIỆP

.