Chính trị - Xã hội

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

07:08, 06/06/2023 (GMT+7)

Mạng xã hội là những kênh cung cấp thông tin, kiến thức, tăng cường tương tác xã hội, giải trí đối với con người nói chung và trẻ em nói riêng. Song, môi trường này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn có ý nghĩa quan trọng.

Trung tá Hồng Minh Hiển, Đội trưởng Đội 1, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố) tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn tại Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ vào tháng 4-2023. Ảnh: X.Đ
Trung tá Hồng Minh Hiển, Đội trưởng Đội 1, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố) tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn tại Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ vào tháng 4-2023. Ảnh: X.Đ

Tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ

Sau khi mua cho con trai đang học cấp 2 một chiếc điện thoại thông minh, chị H.T.Th. (trú quận Cẩm Lệ) dễ dàng liên lạc, đưa đón, nhắc nhở, giúp con có phương tiện giải trí, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên thời gian qua, chị Thủy phát hiện con có các tài khoản mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Zalo, nên lúc nào cũng cầm điện thoại. Không ít lần chị phát hiện thấy con thức khuya để xem các video trên Tik Tok, lướt facebook, nhắc nhở cháu lại phớt lờ không nghe, thậm chí có thái độ khó chịu. “Thấy con thức khuya, không tập trung học hành, tôi nhiều lần nhắc nhở. Tôi rất lo lắng các nội dung nhạy cảm, độc hại trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con sau này”, chị Th. chia sẻ.

Trong khi đó, em N.T.Y đang học lớp 8 (trú quận Liên Chiểu) bộc bạch: “Mỗi sáng thức dậy, em lướt Facebook xem thông tin và đây là thói quen khó bỏ của em. Đặc biệt, không ít lần có các tài khoản lạ trên mạng xã hội Facebook nhắn tin trêu chọc, hỏi thông tin. Tuy nhiên, do không quen biết nên em chỉ xem và không trả lời”.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Duyên, Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc sử dụng internet, mạng xã hội có nhiều lợi ích đối với con người nói chung và trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, môi trường trên tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến trẻ em như: nguy cơ bị lừa đảo; bị bắt nạt, xâm hại trên môi trường mạng; nghiện mạng xã hội, trò chơi điện tử; dễ tiếp cận, chia sẻ thông tin sai lệch; xem các hình ảnh, video khiêu dâm, trò chơi bạo lực, đánh bạc, cá cược. Những nguy cơ này ảnh hưởng đến tính cách, khiến trẻ phụ thuộc vào thiết bị điện tử, mạng xã hội dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, lo âu từ việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều.

Ngoài ra, nhiều trẻ sẽ thay đổi hành vi như thu mình, không muốn tiếp xúc với người khác; nói dối; bỏ học thường xuyên, có hành vi tự hại (tự làm đau mình, tự tử)… “Cha, mẹ có vai trò quan trọng trong việc định hướng, nhắc nhở, đồng hành, xây dựng môi trường mạng an toàn cho trẻ. Trong đó, gia đình cần trò chuyện thường xuyên và cùng con khám phá về lợi ích, tác hại của internet, mạng xã hội. Bên cạnh đó, cha, mẹ cần tôn trọng nhu cầu độc lập, thể hiện bản thân cũng như nhu cầu kết bạn của con để trẻ tin tưởng. Phụ huynh cần chú trọng động viên, nâng cao kiến thức hướng dẫn trẻ sử dụng internet, mạng xã hội an toàn”, Tiến sĩ Duyên chia sẻ.

Tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trung tá Hồng Minh Hiển, Đội trưởng Đội 1, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an thành phố cho biết, để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh, giáo viên có vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, các phòng nghiệp vụ, đặc biệt là phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cho phụ huynh, học sinh nắm vững kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Dịp hè, đơn vị phối hợp với Cung Thiếu nhi tổ chức hoạt động trải nghiệm hè, thông qua đó huấn luyện cho trẻ kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng, kịp thời những mặt tích cực và tiêu cực của việc sử dụng internet, mạng xã hội giúp các em trang bị kỹ năng sống hiệu quả, tăng cường “sức đề kháng” với mặt trái của xã hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thu Phương, nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử hướng dẫn các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng.

Theo đó, bộ quy tắc hướng dẫn cho các doanh nghiệp tích hợp quyền trẻ em trong các chính sách, quy trình quản lý, phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin có nội dung lành mạnh nhằm cung cấp cho thị trường, từ đó tạo môi trường trực tuyến an toàn, phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em.

Tháng 7-2020, sở mở kênh hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng thông qua tổng đài 1022, Cổng góp ý Đà Nẵng, mạng xã hội Facebook, Zalo của tổng đài 1022; ký kết quy chế phối hợp giữa Trung tâm Thông tin dịch vụ công và Trung tâm công tác xã hội (thuộc Sở LĐ, TB&XH) trong công tác xử lý kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến trẻ em.

“Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng số, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trên không gian mạng. Đặc biệt, tập trung tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công cụ internet an toàn cho giáo viên, phụ huynh”, bà Nguyễn Thu Phương chia sẻ.

XUÂN ĐÔNG

.