Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung dự án Luật Đất đai

.

Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì thảo luận tổ số 8 cùng với các đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, Bình Định.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cho rằng, vấn đề hình thức thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất là hai vấn đề hiện nay các địa phương đang vướng mắc và có nhiều ý kiến cử tri nhất. Riêng về phương pháp xác định giá đất, dự thảo để quá nhiều phương pháp xác định giá đất, trong đó quy định: “Cơ quan tổ chức xác định giá đất được quyết định xác định giá đất bằng một hoặc nhiều phương pháp định giá quy định tại khoản 4, Điều 158 của luật” và “Cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách Nhà nước”.

Theo đại biểu, thông thường, với cùng 1 thửa đất, khi áp dụng 4 phương pháp sẽ cho 4 kết quả khác nhau và có sự chênh lệch lớn. Vì vậy, nội dung này chưa phù hợp và việc để quá nhiều phương pháp xác định giá đất sẽ gây ra những hệ lụy phức tạp bởi một phương pháp sẽ có những yêu cầu khác nhau, trong đó có việc phải thuê tư vấn.

Đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá lại 4 phương pháp, cái nào có hiệu quả kinh tế và thuận lợi nhất để làm tính quyết định và chỉ cần 1 đến 2 phương pháp để thực hiện. Liên quan đến việc trả tiền sử dụng đất một lần, theo đại biểu, quy định chưa phù hợp, chưa thực tế, không công bằng trong các lĩnh vực.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng, Điểm a, Khoản 3, Điều 158 dự thảo luật có đề cập đến yếu tố “gây tăng hoặc giảm giá đột biến”. Tuy nhiên, định lượng hoặc hiểu như thế nào là “gây tăng hoặc giảm giá đột biến” thì chưa rõ. Do đó, đại biểu đề nghị luật cần quy định rõ, tránh trường hợp tùy nghi trong áp dụng.

Tại Khoản 2, Điều 120 của dự thảo luật, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm những dự án mang tính chất động lực, trọng điểm của địa phương, nằm trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định việc trả tiền đất một lần cho cả thời gian dự án, qua đó bảo đảm được mục tiêu phát triển cho địa phương một cách phù hợp.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 120, đại biểu cho rằng, nội hàm rất rộng, cần làm rõ “hoạt động du lịch” là gì để xác định thuận lợi hơn trong việc triển khai thu tiền đất một lần cho cả thời gian hoạt động dự án. Cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 135 về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận, đại biểu đề nghị xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Bổ sung ý kiến về xác định giá đất tại Điều 158, đại biểu cũng cho rằng, điều này vô hình chung đẩy khó khăn về cho doanh nghiệp, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Đối với việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân thông qua giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ các trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, đối với việc sử dụng đất tín ngưỡng của cộng đồng dân cư đã được quy định trong phân loại đất và quy định chế độ sử dụng đất nhưng không quy định về hình thức sử dụng đất; chưa quy định việc giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với loại đất tín ngưỡng, dẫn đến lúng túng khi thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc giao đất đối với loại đất tín ngưỡng vào quy định tại Điều 118 của dự thảo luật này.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho rằng tại khoản 2, Điều 119 quy định “Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật về nhà ở”. Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang xây dựng theo hướng bổ sung hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách Nhà nước để bán.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng được giao đất xây dựng nhà ở xã hội là cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp để bảo đảm đầy đủ và tương thích với Luật Nhà ở.  Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể và bổ sung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; các loại đất khác bị sát lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng, để tạo điều kiện tối ưu hỗ trợ người dân ổn định đời sống, yên tâm rời khỏi khu vực có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, tránh những thảm họa đáng tiếc khi có thiên tai xảy ra.

* Chiều 9-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhất trí với sự cần thiết ban hành luật; đồng thời góp ý một số nội dung để luật chặt chẽ, logic hơn.

N.PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.