Chính trị - Xã hội
Gian nan đòi nợ bảo hiểm xã hội
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong nhiều năm với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Việc nợ BHXH kéo dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động, mà còn gây rất nhiều phiền toái cho cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý lao động và bức xúc trong nhân dân.
Đoàn thanh tra liên ngành đang tiến hành thanh tra tại đơn vị sử dụng lao động. Ảnh: N.QUANG |
Bài 1: Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Mặc dù BHXH thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hồi nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn “chây ỳ” khiến hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi. Trong khi đó, người lao động do nhu cầu về việc làm, thu nhập nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.
Nợ lại chồng nợ, xử phạt vẫn không chấp hành
Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý thu - sổ, thẻ, BHXH thành phố Trần Anh Huy cho biết, tính đến ngày 31-5-2023, toàn thành phố có 2.912 đơn vị đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 257 tỷ đồng (trong đó, lãi chậm đóng là hơn 76 tỷ đồng). Trong đó, có các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài như: Chi nhánh 2 - Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng chậm đóng hơn 10,8 tỷ đồng; Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD chậm đóng hơn 7,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 chậm đóng gần 11 tỷ đồng; Công ty TNHH Empire Hospitality chậm đóng hơn 8,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 7 chậm đóng hơn 6,5 tỷ đồng...
Trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, các đoàn thanh tra chuyên ngành đóng đã lập 44 biên bản vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN. Qua thanh tra, các đoàn đã kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 1,469 tỷ đồng và tham mưu Giám đốc BHXH thành phố ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng. Đơn cử như Chi nhánh 2 - Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 98,1 triệu đồng do chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN. Trước đó, cũng chính công ty này đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 150 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Empire Hospitality bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng do chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN số tiền hơn 6,46 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2019, công ty này cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng theo quyết định của UBND thành phố về hành vi liên quan nhưng vẫn không chấp hành quyết định xử phạt. Được biết, đây chỉ là hai trong hàng chục trường hợp nợ BHXH “trường kỳ” khiến người lao động phải lao đao, chịu nhiều thiệt thòi trong khi các ngành chức năng liên quan đã áp dụng chế tài nhưng vẫn chưa xử lý được.
Nhiều lý do để “chây ỳ”
Theo Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, BHXH thành phố Nguyễn Văn Trí, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, BHXH thành phố đã tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại 473 đơn vị sử dụng lao động. Trong đó thanh tra chuyên ngành 358 đơn vị, thanh tra liên ngành 40 đơn vị, kiểm tra 75 đơn vị. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi tổng số nợ tại thời điểm ban hành quyết định thanh tra là hơn 81,8 tỷ đồng, đã thu hồi số tiền gần 37,2 tỷ đồng, kiến nghị truy thu BHXH, BHYT, BHTN đối với 209 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng; kiến nghị truy đóng 249 lao động có mức đóng chưa đúng quy định với số tiền truy đóng là hơn 1 tỷ đồng; xuất toán và thu hồi số tiền hưởng chế độ sai quy định về quỹ BHXH là 834 triệu đồng của 517 lượt hưởng chế độ ngắn hạn sai quy định. Đến nay đã thu hồi được 155 triệu đồng của 150 lượt hưởng chế độ ngắn hạn sai quy định.
Theo Phó Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Hùng Anh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ BHXH là do tác động của Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong gần 3 năm qua. Bên cạnh đó, còn tình trạng chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ pháp luật về trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thay đổi chủ sở hữu, người quản lý, không có người làm chuyên trách công tác BHXH, để chậm đóng kéo dài rồi chuyển trụ sở, không liên hệ được...
Theo ông Anh, mặc dù cơ quan BHXH thành phố thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp để thu hồi công nợ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình tìm lý do để chây ỳ. “Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung các doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian kéo dài và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, cần lưu ý vấn đề truyền thông qua tất cả các kênh hiện có. BHXH thành phố sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về trách nhiệm trích nộp của chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn, kéo dài trên Cổng thông tin điện tử thành phố, website BHXH thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động nắm, hiểu rõ”, ông Anh nhấn mạnh.
XUÂN HẬU - NGUYỄN QUANG