Chính trị - Xã hội

Khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng, đầu tư nhà ở xã hội - Bài 2: Nhu cầu lớn, đầu tư chậm

06:24, 20/06/2023 (GMT+7)

Dù Đà Nẵng có số lượng căn hộ chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để bố trí cho thuê cao nhất nước, nhưng số lượng căn hộ còn trống để bố trí cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở không nhiều. Những năm gần đây, thành phố ưu tiên kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, song việc này diễn ra chậm, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn và bức xúc.

2 khối nhà A, B của dự án khu chung cư thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) với 633 căn hộ đang được thi công. Ảnh: H.H
2 khối nhà A, B của dự án khu chung cư thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) với 633 căn hộ đang được thi công. Ảnh: H.H

Số lượng căn hộ cho thuê còn lại rất ít

Theo Sở Xây dựng, về quỹ nhà chung cư, trong tổng số 10.828 căn hộ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, có 9.649 căn đang bố trí thuê, 616 căn đã bán theo đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để tái đầu tư, 56 căn đã đấu giá theo chủ trương của thành phố, 109 căn bố trí làm nhà ở vận động viên thể dục - thể thao, 286 căn bố trí và cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở có thời hạn 10 năm cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa nhà chồ ở phường Nại Hiên Đông, 5 căn đang bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, 107 căn bố trí tạm để phục vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng các dự án, khu tập thể xuống cấp.

Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, thành phố đã tiếp nhận gần 1.700 hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội nhưng chỉ giải quyết bố trí cho thuê gần 1.000 trường hợp. Do số lượng căn hộ chung cư còn rất ít nên vào ngày 14-1-2019, UBND thành phố ban hành công văn số 320/UBND-SXD thống nhất tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn.

Từ đó đến nay, cùng với việc tăng cường thu hồi căn hộ của những người không còn đủ điều kiện thuê hoặc vi phạm quy chế sử dụng, quản lý chung cư, UBND thành phố có chủ trương chỉ tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội đối với những hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở thuộc nhóm đối tượng người có công với cách mạng; hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (năm 2022, UBND thành phố thống nhất phương án phân bổ cho thuê 53 căn hộ để xét duyệt, bố trí trong năm 2023).

Chính vì vậy, nhiều người nộp đơn xin thuê căn hộ phải chờ đợi kết quả giải quyết lâu. Bà Nguyễn Cao Phương Thảo (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) phản ánh việc nộp hồ sơ thuê chung cư đã 2 năm nhưng vẫn chưa có kết quả; đồng thời kiến nghị UBND thành phố bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở vào ở các căn hộ chung cư sau khi được thu hồi.

Đầu tư nhà ở xã hội ngoài ngân sách Nhà nước chưa đạt chỉ tiêu

Bên cạnh nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, thời gian qua, thành phố kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng, thành phố đang triển khai dự án khu chung cư (KCC) nhà ở xã hội tại lô đất B4-1 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) với 1.275 căn hộ chung cư nhà ở xã hội và đã mở bán 990 căn, còn 285 căn hộ được cho thuê.

Dự án KCC nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam) có 1.461 căn hộ chung cư nhà ở xã hội, đã mở bán 1.165 căn hộ (nhà ở hình thành trong tương lai), còn lại 296 căn cho thuê nhưng chưa đủ điều kiện cho thuê vì đang xây dựng.

Tại dự án KCC nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, có tổng 1.496 căn hộ chung cư nhà ở xã hội, trong đó có 1.150 căn hộ đã được mở bán và còn lại 346 căn hộ được cho thuê. Thành phố đã đầu tư dự án Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm có tổng cộng 285 căn hộ, trong đó, đã xét duyệt cho thuê 117 căn...

Ngoài các dự án nhà ở xã hội đang triển khai nói trên, hiện Liên danh Công ty CP Đức Mạnh - Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 đang thi công 2 khối nhà A, B của dự án KCC thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) với 633 căn hộ. Công ty này cũng thi công dang dở một số hạng mục khối nhà C của dự án KCC thu nhập thấp tại Khu tái định cư Đại Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) với 237 căn hộ và đang dừng thi công 3 năm nay.

Còn tại dự án KCC nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, nhiều người mua căn hộ tại 2 khối nhà E3 và E4 đã 3 năm (được mở bán lần đầu tiên vào tháng 5 và 6-2020), nhưng đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao căn hộ. Bà Phạm Thị Tường Vy, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng bức xúc nói: “Nhiều công nhân mua căn hộ tại 2 khối nhà E3 và E4 của Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước đã 3 năm mà vẫn chưa nhận được nhà. Chủ đầu tư nhiều lần chậm trễ, kéo dài hạn giao nhà. Chúng tôi đề nghị thành phố can thiệp, yêu cầu chủ đầu tư bảo đảm bảo tiến độ thi công, bàn giao căn hộ ở 2 khối nhà E3 và E4”.

Nhu cầu của người dân về mua, thuê nhà ở xã hội được đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước cao, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Theo kết quả phát triển nhà ở giai đoạn 2017-2020, thành phố chỉ thực hiện được 139.936m2 sàn nhà ở xã hội, bằng 35% chỉ tiêu đặt ra và gặp vướng mắc về thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2015-2021.

Dự báo, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố có 23.448 người thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực đô thị có nhu cầu về nhà ở với ước tính khoảng 5.471 căn, tổng diện tích sàn 328.267m2; khoảng 20.724 công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở với ước tính 2.169 căn, diện tích sàn 130.160m2; 1.147 căn hộ chung cư nhà ở xã hội để bố trí cho các hộ giải tỏa; 1.140 cán bộ, công chức, viên chức và 330 cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị công an, quân đội có nhu cầu về nhà ở...

Chung cư nhà ở thương mại cũng gặp khó, bất cập
Loại hình chung cư nhà ở thương mại phát triển mạnh trong thời gian gần đây, chủ yếu tập trung tại trung tâm thành phố và dọc tuyến đường ven sông, ven biển. Tuy nhiên, theo kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020, chung cư nhà ở thương mại chỉ được đầu tư xây dựng 1.342.245m2, đạt 36% so với chỉ tiêu vì nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị có nhà ở bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai do có vi phạm trong quá trình giao đất, triển khai dự án; rà soát lại trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai; thay đổi một số quy định của pháp luật... Ngoài ra, sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong giai đoạn từ quý 2 năm 2019 đến nay và tác động tiêu cực của Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản và tiến độ triển khai các dự án. Một số chung cư nhà ở thương mại đã đưa người dân vào ở nhưng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý hoặc bị cư dân phản ứng, xảy ra tranh chấp giữa ban quản trị và chủ đầu tư...
Điển hình là nhiều cư dân mua các căn hộ tại Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Chung cư cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) hơn 6 năm, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) vì chủ đầu tư chưa hoàn thành khắc phục các hạng mục xây dựng trái phép; một số hạng mục bị hư hỏng, thấm dột... không được sửa chữa do công trình chưa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng; chủ đầu tư đang khắc phục các hạng mục xây dựng sai phép. Tương tự, ở KCC Harmony (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì, chậm tu bổ, sửa chữa... Được biết, trên địa bàn thành phố đang triển khai 14 dự án chung cư nhà ở thương mại với tổng diện tích sàn 557.770m2 (7.133 căn). Nhu cầu nhà ở thương mại trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố cần 7.186.330m2 sàn (58.292 căn).

HOÀNG HIỆP

.