Chính trị - Xã hội

Nổi bật tuần qua: Các đối tượng cầm đầu vụ tấn công tại Đắk Lắk đều bị bắt giữ

07:46, 18/06/2023 (GMT+7)

Tuần 11 - 17-6, một số sự kiện trong nước được dư luận quan tâm như: Vụ tấn công tại Đắk Lắk vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur; Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo; giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Vụ lộ đề thi tiếng Anh lớp 10 tại Kon Tum…

Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt các đối tượng tại cầu Cá Ngựa, thôn Đồng Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt các đối tượng tại cầu Cá Ngựa, thôn Đồng Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Vụ tấn công tại Đắk Lắk đã bắt giữ hơn 50 đối tượng

Sáng 11-6, nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) khiến hai cán bộ xã, 4 đồng chí Công an hy sinh, 3 người dân tử vong, 2 người bị thương, bắt giữ 3 con tin. Đến nay, lực lượng Công an đã bắt giữ hơn 50 đối tượng tham gia vào vụ việc, toàn bộ các đối tượng cầm đầu đều bị bắt giữ. Đây là sự nỗ lực rất lớn của lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, đặc biệt không thể không nhắc đến vai trò, sự giúp sức của quần chúng nhân dân - “thành lũy vững chắc” trong tố giác, vây bắt các đối tượng.

Tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 vào ngày 16/6, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong lời tuyên thệ, các đối tượng công khai đả kích chế độ, xuyên tạc vấn đề đất đai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và dùng lời tuyên thệ này để gây diễn biến tư tưởng, lôi kéo, kích động các đối tượng trẻ.

Đánh giá sơ bộ, Bộ Công an nhận thấy đây là hoạt động gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, có tổ chức, coi thường pháp luật và rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính và nhóm thực hiện hành vi là số đối tượng cực đoan người dân tộc thiểu số thuộc nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vụ việc xảy ra tại địa bàn trọng điểm về an ninh, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, qua vụ việc này, tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tin theo Đảng, Nhà nước, chỉ có một số rất ít là tư tưởng cực đoan gây ra hành vi. Lực lượng Công an trong quá trình xử lý vụ việc quán triệt rất rõ, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì không thể trong một thời gian ngắn có thể truy bắt tất cả các đối tượng. Nhân dân ở địa bàn không chỉ riêng người Kinh, mà tất cả đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên đều đồng lòng ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an truy bắt số đối tượng quá khích cực đoan.

Bộ Công an đề nghị, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận, nắm dân, gần dân, sát dân, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nội bộ nhân dân để giải quyết từ sớm, từ gốc và nâng cao cảnh giác của quần chúng trước âm mưu thủ đoạn hoạt động chống phá, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch phản động; đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực chất, hiệu quả, làm cho người dân tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho lực lượng Công an, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân với những kết quả cụ thể. Coi đây là giải pháp căn cơ nhất để xây dựng và phát huy thế trận lòng dân vững chắc trong thế trận an ninh nhân dân. Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh, Bộ Công an mong muốn cán bộ, nhân dân sẽ giúp đỡ, đồng hành cùng với lực lượng Công an nhân dân; hiểu rõ, hiểu đúng bản chất vụ việc, ủng hộ, đồng lòng chia sẻ với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cũng liên quan đến vụ dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã), huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, sáng 15-6, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, huyện đã chỉ đạo hai xã khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân. UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur vẫn hoạt động bình thường.

Theo đó, huyện Cư Kuin thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban xuống địa bàn chỉ đạo trực tiếp các đơn vị khắc phục hậu quả. Trên cơ sở thống kê các thiệt hại, huyện sẽ có văn bản báo cáo Sở Tài chính để có phương thức nhanh, thuận lợi nhất, đảm bảo cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị làm việc. Đến thời điểm hiện tại, trụ sở UBND xã Ea Tiêu cơ bản hoàn thành, trụ sở UBND xã Ea Ktur đang tiếp tục khắc phục. Các đơn vị thi công đã khẩn trương triển khai sửa sang, sơn sửa.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, mọi công việc tại UBND hai xã vẫn hoạt động bình thường. Những bộ phận bị phá hoại đang tiếp tục sửa chữa, bộ phận không bị hư hại tiếp tục sử dụng hoặc chuyển qua địa điểm khác để làm việc bình thường. Các nhu cầu của nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính tại các xã đều được thực hiện.

Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Sáng 14-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã đồng chủ trì cuộc làm việc giữa lãnh đạo Quốc hội với Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát đã xây dựng 13 báo cáo chuyên đề rất công phu, trong đó có 3 chuyên đề được xây dựng thêm trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, dư luận xã hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri, nhân dân. Đây là điểm mới so với các Đoàn giám sát trước đây, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu của chuyên đề giám sát. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã rất nghiêm túc và trách nhiệm trong chuyên đề này. 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 48 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã triển khai chuyên đề giám sát và báo cáo kết quả cho Đoàn giám sát.

Trên cơ sở dữ liệu giám sát và các ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trong đó, cần tiếp tục chắt lọc các nội dung thật đích đáng đưa vào dự thảo Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện các kết luận giám sát cũng như giám sát việc thực hiện. Các đánh giá về kết quả thực hiện, các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải được định lượng cụ thể hơn, chỉ rõ đâu là tồn tại, hạn chế...., từ đó xác định đúng, trúng những việc phải làm sau chuyên đề giám sát này.

Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo

Chiều 14-6, tại Trụ sở Chính phủ, đã diễn ra cuộc họp giao ban với các bộ, ngành về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Nhấn mạnh những kết quả ban đầu đã đạt được trong chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia trụ cột) đã hoàn thành, kịp thời cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp, làm cơ sở để phát triển các ứng dụng số khác phục vụ công tác quản lý, giao tiếp giữa người dân và nhà nước.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành đặt ra mục tiêu, tiến độ cụ thể trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là liên quan đến 25 dịch vụ công thiết yếu của người dân. Các bộ, ngành làm rõ khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý; hạ tầng công nghệ, đường truyền; công tác đào tạo, tập huấn nhân lực vận hành hệ thống chuyển từ môi trường cung cấp dịch vụ công trực tiếp sang trực tuyến.

“Trung ương phải sẵn sàng mới triển khai thông suốt xuống địa phương. Các bộ, ngành bám sát các nhóm vấn đề, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai 'trước một bước' để thúc đẩy các địa phương thực hiện”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với việc rà soát cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý dân cư theo Đề án 06, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu và các tiện ích phục vụ người dân; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa, số hóa quy trình, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử một cách thực chất.

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến phải thực hiện nghiêm, không để tình trạng chậm, đọng giải quyết hồ sơ; chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo, trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa và hoàn thành trong tháng 6 này; đẩy nhanh việc thực hiện chữ ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Vụ lộ đề thi tiếng Anh lớp 10 tại Kon Tum: 12 học sinh liên quan vụ việc

Liên quan đến vụ lộ đề thi môn tiếng Anh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã có Tờ trình gửi Ban cán sự Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, xin ý kiến về phương thức xét tuyển sinh vào lớp 10 (86/TTr-SGDĐT ngày 15/6).

Theo tờ trình 86/TTr-SGDĐT, kết quả xác minh liên quan đến việc lộ đề thi môn tiếng Anh, Cơ quan Công an tỉnh Kon Tum xác minh cho thấy giáo viên được giao ra đề đã bất cẩn trong bảo quản Dự thảo đề. Ban ra đề còn thiếu chặt chẽ trong yêu cầu xử lý bản Dự thảo đề. Học sinh đã chụp bản Dự thảo đề và chuyển cho bạn học trong nhóm kín. Cơ quan công an cũng xác định nhóm kín có 12 học sinh liên quan đến vụ việc.

Trên cơ sở xác minh của cơ quan Công an kết hợp với phân tích chất lượng và phổ điểm tiếng Anh (môn chung) của kỳ thi tuyển sinh năm học 2023-2024 so với phổ điểm năm liền kề trước đó, Sở Giáo dục và Đào tào tỉnh Kon Tum khẳng định: Phạm vi ảnh hưởng của việc lộ bản thảo đề thi môn tiếng Anh là rất nhỏ so với quy mô của kỳ thi. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tào tỉnh Kon Tum đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xét tuyển lớp 10 như sau: Đối với thí sinh không liên quan đến vụ lộ bản thảo đề thi sẽ giữ nguyên phương án xét tuyển. Đối với các thí sinh có liên quan (12 học sinh), Sở Giáo dục và Đào tào tỉnh Kon Tum đề xuất hủy kết quả thi, tổ chức cho các em thi đợt 2 đối với môn tiếng Anh bằng đề dự bị. Dự kiến thời gian thi vào đầu tháng 8. Về xét tuyển sinh đối với các thí sinh này, Sở Giáo dục và Đào tào tỉnh Kon Tum đề xuất sử dụng kết quả thi đợt đầu của môn Toán và Ngữ văn; kết quả thi đợt 2 môn tiếng Anh cùng với điểm rèn luyện, học tập 4 năm cấp Trung học cơ sở của thí sinh để xét tuyển.

Theo Sở Giáo dục và Đào tào tỉnh Kon Tum phương án trên sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh, không gây xáo trộn và không phát sinh kỳ thi thứ 2, không gây lãng phí về nhân lực, chi phí cho cha mẹ học sinh và ngân sách địa phương….

Trước đó, TTXVN đưa tin, vào tối 2/6, kết thúc môn thi tiếng Anh tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Kon Tum, trên mạng xã hội Zalo, Facebook có dư luận lộ đề môn tiếng Anh kèm theo bản chụp nội dung gần giống đề thi trên.

Sáng 4-6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tiến hành làm việc với các giáo viên ra đề thi tiếng Anh gồm thầy Trần Trung Trinh (Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Liên Việt) và cô Phạm Thị Hương (Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ thành phố Kon Tum). Riêng cô Lê Thị Hồng Loan (Trường Trung học Phổ thông Trường Chinh), viên chức biệt phái, công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo vắng mặt do đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nội dung văn bản 1057/SGDĐT-VP ngày 4-6 của Sở Giáo dục và Đào tạo gửi Công an tỉnh Kon Tum, tại buổi làm việc, cô Phạm Thị Hương thừa nhận có một học sinh lớp 9A, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ đang học thêm tại nhà riêng của cô Hương đã chụp đề thi từ máy in tại nhà cô giáo Hương. Đồng thời, cô Hương nhận khuyết điểm về việc để học sinh chụp bản thảo đề thi và khẳng định không tự sao, chụp đề cho học sinh.

Để xác định cụ thể thông tin lộ đề thi môn tiếng Anh của Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, những cá nhân có liên quan, phạm vi ảnh hưởng của việc lộ đề thi trên để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh phương án tuyển sinh lớp 10 cho phù hợp.

Theo Báo Tin tức

.